Cần nêu trách nhiệm người đứng đầu trong phát triển kinh tế tập thể

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh chỉ đạo cần đặt ra trách nhiệm người đứng đầu trong phát triển kinh tế tập thể, để kinh tế tập thể cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Sáng 22-9 tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT).

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh chủ trì hội nghị. Tham dự còn có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các Tỉnh ủy, Thành ủy địa phương.

Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

KTTT đã có nhiều chuyển biến tích cực

Xác định KTTT cùng với kinh tế Nhà nước là nền tảng vững chắc của kinh tế quốc dân, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 56-KL/TW, đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của KTTT.

Sau 3 năm thực hiện, Ban Kinh tế Trung ương- cơ quan chủ trì sơ kết cho biết, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò, vị trí, bản chất, nguyên tắc hoạt động và tính tất yếu khách quan của KTTT mà biểu hiện cụ thể là các loại hình hợp tác xã kiểu mới (HTX) trong nền kinh tế thị trường.

Theo GS. Nguyễn Thiện Nhân, Luật HTX mới (ban hành năm 2012) quy định HTX hoạt động như một doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ cho xã viên, còn việc sản xuất là hoàn toàn của xã viên, HTX không phải trực tiếp điều hành, tổ chức sản xuất như trước.

“HTX kiểu mới không thay thế sản xuất hộ gia đình mà làm cho sản xuất hộ hiệu quả, cạnh tranh hơn”, ông Nguyễn Thiện Nhân tóm gọn.

Theo Ban Kinh tế Trung ương, từ nhận thức thay đổi, KTTT phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, nâng cao thu nhập của thành viên. Cả nước có gần 18.900 HTX, thu hút sự tham gia của khoảng 7,4 triệu thành viên với thu nhập bình quân của thành viên ước đạt gần 1,7 triệu đồng/tháng.

Trong 2 năm qua, đóng góp của HTX vào GDP tăng hơn so với năm trước (năm 2013 đạt 5,05% và năm 2014 đạt 5,15%) sau gần 20 năm ở tình trạng năm sau tăng trưởng kém hơn năm trước. Mức tăng như hiện tại còn có ý nghĩa hơn khi tỷ lệ vốn đầu tư chỉ chiếm 0,6% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế.

KTTT phát triển ở tất cả các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp-thương mại, giao thông vận tải, xây dựng, tín dụng, du lịch, bốc xếp hàng hóa,... dựa trên nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, hoạt động có hiệu quả, khẳng định năng lực của HTX có thể tham gia vào các lĩnh vực của nền kinh tế.

Tuy nhiên, các ý kiến phát biểu đều bày tỏ việc thực hiện Kết luận số 56 còn nhiều hạn chế khi công tác phổ biến Kết luận chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Hiện vẫn còn 25 tỉnh, thành phố chưa ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể; các bộ, ngành vẫn còn nợ 5 văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX.

Việc hoạt động của KTTT còn chậm phát triển, nhiều yếu kém khi mới chỉ có 10% số HTX hoạt động tốt, 60-70% HTX hoạt động cầm chừng, không hiệu quả và còn lại là ngừng hoạt động vì hiệu quả thấp với lợi nhuận trung bình chỉ 670.000 đồng/ngày. Lĩnh vực nông nghiệp có tỷ lệ HTX lớn nhất thì cũng mới chỉ cung cấp được các dịch vụ đầu vào cơ bản, còn dịch vụ đầu ra thì rất ít HTX làm được.

Ảnh: VGP/Thành Chung

KTTT phải tạo thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân

Kết luận Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh việc đổi mới hoạt động của KTTT mà trực tiếp là các HTX đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống luật pháp, văn bản hướng dẫn, kế hoạch thực hiện đã được các cấp ở Trung ương, địa phương ban hành tạo thành hành lang pháp lý quan trọng để phát triển HTX. Các đoàn thể, hiệp hội đã phát huy trách nhiệm, tổ chức các phong trào thi đua phát triển HTX kiểu mới.

Các HTX kiểu mới xuất hiện dựa trên mối hợp tác tự nguyện, cùng có lợi của mỗi thành viên, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kết nối các hộ sản xuất với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và nhà khoa học để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Để khắc phục hạn chế và thực hiện tốt hơn Kết luận 56, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ban cán sự, Đảng đoàn của các bộ, ngành, cấp ủy địa phương phải tiếp tục đổi mới phương thức, tuyên truyền, thực hiện Kết luận 56 về bản chất KTTT, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu nhằm phát triển KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế Nhà nước thành nền tảng vững chắc của kinh tế quốc dân, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Ban Bí thư chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hướng dẫn thực hiện Luật HTX năm 2012; thường xuyên rà soát các văn bản đã ban hành để bổ sung nhất là các chính sách khuyến khích phát triển HTX, có ưu đãi với KTTT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chính sách cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, ứng dụng KHCN, thị trường.

Các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện để HTX củng cố, vươn lên hoạt động theo đúng bản chất HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012; tiếp tục củng cố bộ máy Liên minh HTX Việt Nam, làm rõ và tăng cường quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của Liên minh, bảo đảm chức năng đại diện cho các HTX, xã viên trên cả nước.

Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ thành viên HTX về quản lý, điều hành, kiến thức thị trường và hội nhập quốc tế. Các tổ chức, hiệp hội phối hợp với các tổ chức quốc tế, HTX các nước trên thế giới để tranh thủ sự giúp đỡ hiệu quả phát triển HTX.

Các địa phương thường xuyên tổng kết các mô hình KTTT hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể để nhân rộng trên địa bàn.

Nguồn www.chinhphu.vn