Hiện đại hóa hệ thống để mở rộng tín dụng
Ông Lê Văn Cương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện đại hoá hệ thống ngân hàng, phát triển các tiện ích mới nhằm mở rộng tín dụng an toàn và hiệu quả; tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với định hướng của ngành và nhu cầu vốn phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Toàn tỉnh có 4 chi nhánh NH Thương mại Nhà nước, 5 chi nhánh NH Thương mại Cổ phần, 1 chi nhánh NH Chính sách xã hội, 1 NH Phát triển và 3 quỹ Tín dụng nhân dân, với 23 chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc được bố trí khắp các huyện, thành phố đảm bảo thực hiện tốt vai trò là một kênh cung ứng vốn chủ yếu cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật được ngành chú trọng đầu tư theo hướng hiện đại, có 70 máy ATM và 173 đầu chấp nhận thanh toán thẻ (POS) đã thực hiện kết nối liên thông, với 273.300 thẻ thanh toán, so với năm 2010 tăng 31 máy ATM, 104 máy POS và 103% thẻ thanh toán.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Ninh Thuận.
Ảnh: Văn Miên
Trong 5 năm qua, toàn ngành đã thực hiện cho vay nền kinh tế với tổng doanh số ước đạt 86.800 tỷ đồng; trong đó ngắn hạn 68.800 tỷ đồng, chiếm 79,3%; trung và dài hạn 18.000 tỷ đồng, chiếm 20,7%. Ước đến cuối năm 2015, tổng dư nợ tín dụng đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 7.129 tỷ đồng (146,4%) so với cuối năm 2010. Về cơ cấu tín dụng đầu tư ngành nông, lâm nghiệp chiếm 23,3%, công nghiệp-xây dựng chiếm 14,2%, thương mại-dịch vụ chiếm 42,5% và tiêu dùng chiếm 10%.
Một trong những hoạt động được đánh giá cao của ngành Ngân hàng, đó là triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng phục vụ an sinh xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đang tập trung đầu tư thực hiện.
Về đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn cho vay từ năm 2010 đến nay đạt 9.100 tỷ đồng, chiếm 10,58% trong tổng doanh số cho vay nền kinh tế. Dư nợ tín dụng địa bàn nông thôn 2.970 tỷ đồng, với 97.000 khách hàng, tăng 326 tỷ đồng (tăng 12,33%) so với cuối năm 2014. Dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm 1.970 tỷ đồng/92.000 khách hàng, chiếm 66,3% trong dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn. Riêng cho vay ở 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh ước đạt 750 tỷ đồng/28.100 khách hàng.
Cho hộ nghèo, đối tượng chính sách vay, đang triển khai 12 chương trình tín dụng ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình 1.330 tỷ đồng/91.000 khách hàng, tăng 313,6 tỷ đồng so với cuối năm 2010. Trong 5 năm qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi trên, đã tạo điều kiện cho trên 10.000 hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống; gần 30 ngàn HS-SV được vay vốn để học tập; 17.231 hộ vay nâng cao được chất lượng cuộc sống nhờ vay vốn lắp đặt hệ thống nước sạch và xây dựng nhà vệ sinh; 5.269 hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở.
Các TCTD đã tích cực triển khai các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó. Thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ (tháng 5-2012) các TCTD trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng vay 5.444 HĐTD/1.683 tỷ đồng; xem xét miễn, giảm lãi vay 697 HĐTD với số lãi được miễn giảm là 14,2 tỷ đồng; cho vay ngắn hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên 30.174 tỷ đồng (trong đó doanh nghiệp chiếm 81,8%). Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 5% - 7%/năm.
Gần đây, thực hiện Chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, trong đợt 1, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 13 ngư dân được vay vốn đóng mới tàu thuyền vươn khơi xa. Ngành Ngân hàng đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác thẩm định các dự án vay vốn và đã có 3 ngư dân ở Tp. Phan Rang – Tháp Chàm và Ninh Hải đã được giải ngân vốn vay, với tổng số tiền cam kết cho vay hơn 35,9 tỷ đồng; 6 ngư dân khác đang triển khai các thủ tục để vay vốn.
Từ năm 2010 đến nay, bằng nguồn đóng góp của cán bộ, công nhân viên chức, lao động và vận động từ trung ương, ngành Ngân hàng tỉnh đã ủng hộ, tài trợ cho các chương trình an sinh xã hội của tỉnh với tổng số tiền 71,16 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.
Phát huy vai trò chủ đạo đáp ứng nguồn vốn cho phát triển
Trong 5 năm qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương với lãi suất hợp lý, cơ cấu tín dụng từng bước chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế của tỉnh, tập trung cho phục vụ sản xuất, kinh doanh, mở rộng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách vay. Tuy nhiên, do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp sản xuất nên khó mở rộng đầu tư tín dụng. Tăng trưởng tín dụng cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh còn thấp; chất lượng tín dụng, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cao; việc xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn.... đã làm ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của ngành.
Theo ông Lê Văn Cương, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo đáp ứng vốn cho đầu tư phát triển nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. Theo đó, ngành sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả; tập trung đầu tư tín dụng đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, chỉ đạo giám sát các TCTD thực hiện nghiêm túc về phân loại tài sản, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng.Tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD; phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm và rủi ro gây mất ổn định để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD.
Thu Thủy