Tp. Phan Rang - Tháp Chàm: Hoàn thiện, nâng cao tiêu chí đô thị loại II

(NTO) Một trong những thành tựu nổi bật của Đảng bộ Tp.Phan Rang-Tháp Chàm trong nhiệm kỳ qua là đã làm tốt vai trò lãnh đạo, đưa thành phố đạt chuẩn đô thị loại II đúng tiến độ, khẳng định chủ trương đúng đắn trong xây dựng và phát triển, có tầm nhìn chiến lược, phù hợp xu thế phát triển và quy hoạch chung của tỉnh.

Nhằm phát huy vị thế đầu tàu kinh tế- xã hội của tỉnh, quyết tâm đưa Phan Rang- Tháp Chàm trở thành điểm du lịch trọng điểm của miền Trung và cả nước, tại Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thành phố đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đô thị loại II.

Một góc trung tâm Tp. Phan Rang - Tháp Chàm hôm nay. Ảnh: Văn Miên

Đối chiếu với 6 tiêu chuẩn và 49 chỉ tiêu được quy định tại Thông tư 34 của Bộ Xây dựng quy định tiêu chí đô thị loại II, hiện thành phố vẫn còn 4 chỉ tiêu chưa đạt gồm: Thu nhập bình quân đầu người, dân số toàn đô thị, mật độ đường chính trong khu vực nội thị, số nhà tang lễ khu vực nội thị. Ngoài ra còn có 19 chỉ tiêu chưa đạt mức tối đa, trong đó có 10 tiêu chí đạt thấp, chủ yếu tập trung vào các nhóm tiêu chí về hạ tầng đô thị. Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch phát triển, thực lực của địa phương, Đảng bộ thành phố xác định trước mắt ưu tiên hoàn thiện một số tiêu chí quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng rộng và mang tính chiến lược, trong đó đặc biệt tập trung các giải pháp phát triển kinh tế nhằm nâng cao mức thu nhập cho Nhân dân, chỉnh trang và quản lý đô thị.

Trong phát triển kinh tế, thành phố xác định lấy công nghiệp là khâu đột phá; thương mại- dịch vụ làm động lực phát triển. Phấn đấu nâng tỷ trọng ngành Công nghiệp từ 32% như hiện nay lên 35% vào năm 2020; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Thương mại-Dịch vụ từ 12-13%/năm, duy trì tỷ trọng 59%. Đồng chí Trần Minh Nam, Bí thư Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Tín hiệu lạc quan của ngành Công nghiệp trên địa bàn đó chính là Khu công nghiệp Thành Hải và Khu công nghiệp Tháp Chàm được tỉnh quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, ngày càng thu hút các nhà đầu tư. Để tạo bước đột phá cho ngành Công nghiệp, thành phố tiếp tục cùng tỉnh thực hiện các chính sách kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, sản xuất, ưu tiên cho các ngành công nghiệp chế biến nông-thủy sản, chế biến thực phẩm, dày da, may mặc, ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường và sử dụng nhiều lao động nhằm giải quyết việc làm cho lao động địa phương và có đóng góp tốt cho ngân sách.

Công viên biển Bình Sơn.

Nhằm đẩy nhanh tăng trưởng cho ngành Thương mại-Dịch vụ, cùng với tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các khu đô thị mới, hạ tầng giao thông kết nối vùng và giao thông nội thành, tạo thuận lợi trao đổi, thông thương hàng hóa, thành phố đang kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, nâng cấp các hệ thống chợ, siêu thị, phát huy hiệu quả mạng lưới bán lẻ ở khu vực Tháp Chàm, Bình Sơn, Tấn Tài; nâng cấp mở rộng chợ các phường Đông Hải, Văn Hải; đặc biệt khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình đầu tư mở cửa hàng kinh doanh buôn bán, tạo điều kiện thuận lợi để các tổng công ty, tổng đại lý, các kênh phân phối lớn đặt chi nhánh trên các tuyến phố nhằm hình thành các khu phố giao thương, mua sắm sầm uất, góp phần tích cực giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân. Ngoài ra, thành phố tập trung các giải pháp khai thác tốt lợi thế, tiềm năng du lịch biển thông qua khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa loại hình dịch vụ; tăng cường quản lý, xây dựng môi trường xanh-sạch, an toàn ở các khu vui chơi giải trí, Công viên Biển Bình Sơn- Ninh Chử... Có được lợi thế về giao thông, nhất là cầu An Đông đã được đưa vào sử dụng, cùng với các bãi biển đẹp, làng nghề đánh bắt hải sản truyền thống, thành phố đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu du lịch tại các thôn của phường Đông Hải, phát triển du lịch về phía Đông Nam nhằm nâng lượng du khách đến với thành phố trung bình hằng năm từ 1,5-1,7 triệu người, trong đó khách quốc tế chiếm 15%. Như vậy, với các giải pháp đồng bộ sẽ tạo bước đột phá cho các ngành Thương mại-Dịch vụ, công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, giải quyết công ăn việc làm, giúp người dân chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phấn đấu đạt được mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân cho người dân lên 92 triệu đồng/người vào năm 2020, gấp 2,3 lần so với năm 2015. Đồng thời cũng góp phần tạo sức hấp dẫn thu hút lực lượng lao động từ các khu vực lân cận ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc, dần hoàn thiện tiêu chí dân số toàn đô thị theo chuẩn đô thị loại II.

Cầu An Đông bắc qua sông Dinh tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội Tp. Phan Rang- Tháp Chàm.

Đối với công tác chỉnh trang và quản lý đô thị, Thành ủy xác định nhiệm vụ trọng tâm là quản lý trật tự đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc đô thị; tuyên tuyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khắc phục tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, xây dựng nhà ở trái phép; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là tại các công viên, khu vui chơi giải trí, gắn với xây dựng các tuyến phố văn minh, thực hiện nếp sống văn minh đô thị; tăng cường quản lý, trồng, chăm sóc cây xanh, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.

Với chủ trương đúng đắn, giải pháp đồng bộ, và sự quyết tâm, đoàn kết của toàn Đảng bộ và Nhân dân Tp.Phan Rang- Tháp Chàm sẽ thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch, hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đô thị loại II, đưa thành phố lên tầm cao mới.