Chuyện "vòng tròn ma thuật"

(NTO) Có câu chuyện ngụ ngôn “ai to nhất” không rõ xuất xứ từ đâu nhưng trẻ em hay đưa ra đố nhau. Đại loại chúng hỏi nhau: Ai to nhất? Ông mặt trời to nhất chứ còn ai, nhưng ông trời lại sợ đám mây (mây che mặt trời); Mây lại sợ gió - Gió thì sợ bức tường - Bức tường sợ chuột - Chuột sợ mèo- Mèo sợ người - Người thì lại sợ Trời, cứ như “vòng tròn ma thuật” (vòng tròn không có lối ra) vậy nhưng xem ra rất lô-gic. Lấy chuyện ngụ ngôn trên ứng với việc mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương giải mã “vòng tròn ma thuật” về tinh giản biên chế chẳng hề dễ chút nào.

Ông bạn làm cơ quan nhà nước giãi bày: Cơ quan tôi đang triển khai xây dựng đề án tinh giản biên chế, theo đó đến năm 2020 phải giảm 10% số công chức, viên chức trên tổng biên chế, giảm ai, còn ai thật đau đầu. Tôi góp ý: Ông cứ xem ai làm việc yếu kém nhất đưa vào diện tinh giản, mỗi năm một, hai người, sau 5 năm là hoàn thành chỉ tiêu. Đấy, cái nút thắt ở chính chỗ người “yếu kém nhất” như ông nói, ai cũng thấy nhưng chẳng ai đủ dũng cảm để thực hiện. Rồi anh nêu cụ thể: Cứ như cô chuyên viên có bằng cử nhân tin học (tại chức) nhưng cơ quan không thể bố trí việc theo chuyên ngành, bởi việc học “qua loa” (loa truyền thanh) kiến thức giao lại cho thầy. Công tác thì bình bình nhưng hàng năm vẫn phải xếp cô ấy hoàn thành tốt nhiệm vụ, danh hiệu lao động “tiên tiến”. Ông đưa vào diện tinh giản sang năm ngay, tôi gợi ý. Này, cháu nó con “sếp...” đấy, chớ có đùa, chưa biết chừng mình tinh giản trước. Nếu vậy ông chọn đứa nào không phải… để tinh giản, tôi chuyển hướng. Khổ nỗi, những đứa như ông nói tụi nó làm việc năng suất bằng hàng chục lần công chức “yếu kém nhất”, cho tinh giản cơ quan tôi sao hoàn thành nhiệm vụ. Vậy ông có độc chiêu gì giới thiệu mình học tập, tôi sốt sắng! Thực ra, tôi cũng chỉ học tập các đơn vị khác nói để ông vận dụng: Thế này, từ đề án vị trí việc làm trước đây xác định cụ thể khối lượng công việc giai đoạn đến 2020 cho từng tập thể, từng biên chế (ai mà biết cụ thể công việc tương lai) sao cho có tính thuyết phục rồi đề nghị giữ nguyên biên chế. Thế nếu trên quyết ông phải tinh giản 10% thì tính sao? - tôi hỏi lại. Mình tính rồi, một là đề nghị trên chỉ cụ thể giảm ai, ngoài ra có lẽ phải chơi trò bốc thăm may rủi. Hoá ra cấp trên bảo tinh giản, ông chuyển lại việc ấy cho cấp trên, tôi chỉ trích! Thì ông thấy đấy, câu chuyện tinh giản biên chế có khác gì hồi học trò ông đố tôi “ai to nhất” để rồi cả hai chẳng ai đúng, ai sai cứ như “vòng tròn ma thuật” vậy!?

Một thực tế không thể tranh cãi là quyết tâm tinh giản biên chế đã được đặt ra từ hơn 20 năm trước. Chỉ kỳ lạ, mỗi lần quyết tâm là một lần bộ máy biên chế phình to ra thêm một ít. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau 5 năm thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP, tính đến hết năm 2012, tổng số biên chế từ Trung ương đến cấp huyện tăng lên 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế); biên chế cấp xã tăng lên 257.675 người (tăng hơn 14.000 biên chế). Đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm mà còn tăng thêm 20%. Và chúng ta là một trong những nước hiếm hoi mà tỷ lệ chi thường xuyên chiếm gần 70% số chi ngân sách hàng năm. Thế nên, một lần nữa vấn đề tinh giản biên chế bộ máy công chức viên chức lại được nóng lên với Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 17-4-2015 về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cả nước.

Từ câu chuyện trên, vấn đề tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước không hề đơn giản. Vốn đã thành quy luật, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương dù ở cấp nào cũng thường đề nghị bổ sung biên chế do khối lượng công việc tăng, hình thành tổ chức mới đáp ứng nhu cầu quản lý thực tiễn… Có một ngàn lẻ một lý do để tăng biên chế nên mới có chuyện tinh giản rồi lại tăng, biên chế cồng kềnh tốn kém tiền của dân lại tiến hành tinh giản. Để đất nước phát triển thì nhất định bộ máy nhà nước phải thật sự “tinh”, việc giảm những người làm việc yếu kém là yêu cầu khách quan trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu với thế giới hiện nay. Và mỗi chúng ta kỳ vọng rằng chương trình tinh giản biên chế theo Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị sẽ là “cuộc đại phẫu” về biên chế, sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.