Đỗ Văn Minh
Chủ tịch Liên minh HTX
|
Đồng chí Đỗ Văn Minh Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã |
(NTO) Qua kết quả 5 năm hoạt động (2010-2015) kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) từng bước khẳng định vai trò nền tảng trong tổ chức lại sản xuất và xây dựng nông thôn theo hướng liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp hình thành các liên minh sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh như: nho, táo, hành, tỏi, rau sạch, rong sụn, dê, cừu… theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, tăng thu nhập cho các thành viên.
Hoạt động dịch vụ của các HTX ngày càng đa dạng và hiệu quả hơn, qua đó đã tạo được niềm tin vào mô hình HTX kiểu mới. Đến nay, có 21 loại dịch vụ mà các HTX tổ chức phục vụ cho thành viên như: Dịch vụ làm đất, thủy lợi, cung ứng lúa giống, bảo vệ thực vật, xây dựng sân phơi, thu hoạch, vệ sinh môi trường, kinh doanh chợ, gia công, chế biến nông sản...; hầu hết các HTX đều thực hiện từ 3-5 dịch vụ cho thành viên. Nổi bật như mô hình HTX dịch vụ của HTX Trường Thọ về tổ chức lại sản xuất, xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” có quy mô 100ha, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho thành viên HTX.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo An làm tốt dịch vụ cung ứng phân bón.
Hoạt động của các HTX phi nông nghiệp tiếp tục được duy trì và phát triển, nhất là các HTX sản xuất và chế tạo cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phục vụ sản xuất công nghiệp, sản xuất các mặt hàng làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, gốm, gỗ, đá mỹ nghệ… Một số HTX đã tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, như: Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Gốm Bàu Trúc, nước mắm Cà Ná, Rau an toàn, Măng khô Bác Ái…; gắn kết với các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, Dự án Hỗ trợ Tam nông để triển khai mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, các tổ hợp tác sản xuất, nhóm đồng sở thích để thu mua-phân phối các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh, như nho, táo, hành, tỏi, rau sạch, măng tây, rong sụn…
Có thể nói, những năm qua, hoạt động KTTT đã mang lại hiệu quả xã hội rõ nét, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo; các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới được phát huy tích cực, góp phần xây dựng đời sống văn hóa nông thôn ngày càng phát triển, tinh thần đoàn kết cộng đồng được nâng lên. Hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ HTX được triển khai và đạt được một số kết quả; quy mô sản xuất HTX được mở rộng, lĩnh vực ngành nghề hoạt động đa dạng hơn, chất lượng hoạt động KTTT tốt hơn. Đây là những kết quả quan trọng, là tiền đề tiếp tục thực hiện chủ trương củng cố, đổi mới và phát triển KTTT trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động, khu vực KTTT vẫn còn những yếu kém như: Năng lực quản lý, sản xuất, kinh doanh nhìn chung còn yếu, quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động thiếu ổn định; khả năng cạnh tranh còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất chưa được đầu tư cải tiến; một số chính sách hỗ trợ HTX triển khai chưa kịp thời, nhất là chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, đào tạo nghề, hỗ trợ khoa học-công nghệ… Việc triển khai quán triệt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT còn nặng hình thức.
Trong giai đoạn mới (2015-2020), dự báo tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển KTTT, các nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh, sẽ tạo động lực thúc đẩy hoạt động của KTTT có những chuyển biến tích cực hơn. Phát triển HTX chú trọng vào các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gắn với phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích phát triển KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn nhằm hỗ trợ phát triển, mở rộng liên kết hợp tác, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao như nho, táo, hành - tỏi, rau sạch…, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho nông dân.
Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm, đó là:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng bằng nhiều hình thức phù hợp và có hiệu quả Luật Hợp tác xã 2012, Kết luận số 56-KL/TW ngày 21-2-2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; cụ thể hóa Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ;
Từng bước kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về KTTT các cấp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về KTTT từ tỉnh đến huyện, cơ sở. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát thi hành Luật Hợp tác xã, hướng dẫn thực hiện các chính sách đối với khu vực KTTT.
Hướng dẫn HTX tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã 2012; thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển HTX theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là hỗ trợ thành lập mới, đào tạo, bồi dưỡng; xúc tiến thương mại; ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… nhất là triển khai vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ tạo điều kiện cho HTX kiểu mới phát triển tăng tốc trong vài năm tới.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX, bảo đảm thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế hợp tác, HTX.