Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo nguyên liệu ổn định phục vụ công nghiệp chế biến nông sản

(NTO) Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, Đảng bộ huyện Ninh Sơn đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo nguyên liệu ổn định phục vụ công nghiệp chế biến nông sản; chuyển đổi cơ cấu các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp.

 
Đồng chí Nguyễn Long Biên
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn

 Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp: tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm tăng bình quân 4,1%; sản lượng lương thực tăng 9,3% năm; một sô cây công nghiệp chế biến mía, mỳ đều tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng so với chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đề ra; giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng khá, bình quân gần 11%/năm. Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành một số vùng chuyên canh với các loại cây trồng chủ lực như: 2.675 ha mía, hơn 2.630 ha mỳ, 325 ha thuốc lá; ngoài ra, đẩy mạnh phát triển một số loại cây trồng có giá trị cao: 81 ha diện tích trồng nho, quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả đặc sản Lâm Sơn với diện tích khoảng 400 ha gắn với phát triển du lịch vườn.

Trong nhiệm kỳ mới, với mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiệu quả, từng bước hiện đại bền vững; đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả; tiếp tục phát triển ổn định các loại cây trồng, vật nuôi, trong đó chú trọng đến cây công nghiệp để tạo vùng nguyên liệu ổn định cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 – 2020. Đảng bộ huyện xác định một số giải pháp trọng tâm như: Tập trung rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể và quy hoạch các xã, thị trấn để phát huy thế mạnh từng vùng, từng lĩnh vực hình thành các vùng chuy6en canh sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, gắn kết sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Củng cố các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện và kinh tế nông thôn... Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được vùng nguyên liệu mía tập trung tại xã Quảng Sơn với quy mô 3.150 ha, sản lượng bình quân đạt 170.119 tấn/năm; xây dựng vùng nguyên liệu mỳ tập trung tại các xã: Quảng Sơn, Hòa Sơn, Lương Sơn và thị trấn Tân Sơn với diện tích ổn định khoảng 2.750 ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 64.620 tấn. Ngoài ra, sẽ tập trung phát triển thêm các loại cây rau, củ quả, nhóm có khả năng cạnh tranh với các loại rau quả ở các khu vực khác; xây dựng vùng cây ăn quả đặc sản với diện tích 400 ha tại Lâm Sơn…Huyện sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả việc liên kết “4 nhà” để giúp người dân ổn định sản xuất và đảm bảo thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng các loại cây cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích…