* Hỏi:
Tôi là giáo viên mầm non. Dự kiến tháng 2/2016 tôi sẽ nghỉ sinh con. Vậy trường hợp của tôi được hưởng các chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH năm 2006 hay Luật BHXH năm 2014?
* Trả lời:
Khoản 1 Điều 124 Luật BHXH quy định: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, trừ quy định tại Điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Luật này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018.
Căn cứ vào quy định nêu trên và theo thư bạn viết, chế độ thai sản của bạn được áp dụng theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Cụ thể mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
- Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
- Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
- Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại