Chương trình trồng nho sạch ở tỉnh ta bắt đầu được triển khai thí điểm tại hộ ông Nguyễn Văn Mọi (Ba Mọi) ở xã Phước Thuận (Ninh Phước) vào năm 2008, với quy mô 1 ha. Đến năm 2010, khi được cấp Giấy chứng nhận canh tác theo quy trình VietGAP, thương hiệu Nho Ba Mọi thực sự có chỗ đứng trên thị trường. Thành công này làm cơ sở để tỉnh khẳng định sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những giải pháp căn bản lâu dài, hiệu quả, đưa quả nho Ninh Thuận tiếp cận thị trường.
Nông dân phường Văn Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) mở rộng diện tích trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ngay sau đó, tỉnh đề ra nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng nho sạch. Từ triển khai có hiệu quả Dự án Cạnh tranh nông nghiệp về xây dựng những mô hình thí điểm áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), Dự án QSEAP hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành được những vùng trồng nho sạch với tổng diện tích khoảng gần 200 ha. Nhờ sản xuất theo quy trình sạch, nho Ninh Thuận đã tiếp cận được các thị trường khó tính, đầu ra rộng, giá cao gấp 3 lần so với canh tác theo tập quán cũ. Đơn cử, DNTN SX TM&DV Ba Mọi đang liên kết cùng 150 hộ dân sản xuất 100 ha nho sạch, mỗi năm cung ứng cho các hệ thống siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội khoảng 100 tấn sản phẩm nho giá cao, dao động từ 70-75 ngàn đồng/kg.
Hiệu quả sản xuất nho sạch đã rõ, tuy nhiên các địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để mở rộng diện tích. Kết quả phân tích mức độ ô nhiễm các kim loại nặng trong đất của ngành chức năng cho thấy, hầu hết đất trồng nho hiện nay đều nằm trong ngưỡng cho phép để phát triển theo hướng an toàn. Điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng diện tích nho sạch còn khiêm tốn (chỉ chiếm khoảng 20% tổng diện tích nho trên toàn tỉnh) là do nông dân còn ảnh hưởng tập quán sản xuất cũ, ngại đổi mới. Tiến sĩ Phan Công Kiên, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, phân tích: Sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt, nông dân chưa quen nên ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là việc ghi chép nhật ký đồng ruộng. Cùng với đó, nhận thức về trồng nho an toàn của bà con chưa cao, không quản lý được từ khâu sản xuất đến thu hoạch, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Một thực tế khiến nhiều nông dân không mặn nồng với Chương trình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP là đa phần sản phẩm phải bán trôi nổi trên thị trường. Trong khi đó, áp dụng quy trình VietGAP đầu tư tốn kém, nên chưa động viên, khuyến khích hộ trồng tham gia sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Tin, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được cả xã hội quan tâm. Đối với Ninh Thuận, nho là đối tượng cây trồng có hiệu quả kinh tế cao nhất. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại trái cây khác, sản phẩm nho tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Với xu thế hội nhập như hiện nay, để ổn định về giá cả, sản phẩm nho phải đạt chất lượng, do đó sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP là bắt buộc. Để phát triển nghề trồng nho theo hướng bền vững, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn giai đoạn 2010-2020. Theo đó, đến năm 2020, diện tích nho sẽ được mở rộng từ 1.000 ha hiện nay lên 2.500 ha. Giải pháp căn cơ nhất để đạt mục tiêu là đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; nghiên cứu tạo ra những giống nho mới chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, thay thế những giống nho đã thoái hóa. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nho; thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát và hình thành kênh thu mua sản phẩm nho an toàn. Hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt, quảng bá thương hiệu; tăng cường liên kết “4 nhà” trong sản xuất nho, đảm bảo lợi ích giữa các bên tham gia trong chuỗi giá trị.
Anh Tùng