Đồng chí Võ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Thuận Bắc có 80% dân số sống bằng nghề nông, tuy nhiên, kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn những năm qua còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chất lượng hàng hóa nông sản còn thấp, thiếu tính cạnh tranh. Nguyên nhân do việc liên kết trong sản xuất, nhất là liên kết tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Để giải quyết tồn tại lâu nay, quan điểm chỉ đạo của huyện là cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân.
Nông dân thôn Hiệp Kiết (xã Công Hải) liên kết với Công ty CP giống cây trồng
Đông Nam sản xuất lúa giống đạt kết quả cao.
Một điển hình mà đồng chí Võ Chi dẫn chứng nhất thiết phải đẩy mạnh liên kết “4 nhà” là mô hình hợp tác sản xuất lúa giống giữa nông dân thôn Hiệp Kiết với Công ty CP Giống cây trồng Đông Nam đem lại kết quả hơn mong đợi. Bằng hình thức doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm cho nông dân canh tác đã nâng cao hiệu quả kinh tế lên 30% so với sản xuất thông thường. Tương tự, nông dân thôn Ma Trai, xã Phước Chiến, hợp đồng trồng mía với Công ty CP mía đường Phan Rang cũng đạt kết quả cao. Tuy vậy, sự liên kết này chưa diễn ra một cách sâu rộng, quy mô còn nhỏ lẻ. Đơn cử, liên kết sản xuất lúa giống chỉ mới dừng lại ở diện tích khiêm tốn khoảng 20ha, trong khi khả năng mở rộng diện tích là rất lớn.
Xác định được tầm quan trọng của liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Thuận Bắc đã thực hiện một số công đoạn “mở đường” cho doanh nghiệp vào địa phương hợp tác làm ăn, như: Chỉ đạo triển khai bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, phân tích mức độ thích nghi đất đai và quy hoạch hệ thống cây trồng đến năm 2020 của các xã... Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng chuyên canh trồng lúa 3 vụ/năm quy mô 1.500ha, vùng trồng bắp chủ động nước 950ha ở các xã Bắc Phong, Lợi Hải, Bắc Sơn và Công Hải; vùng trồng mía 175ha, mì 100ha ở các xã Phước Kháng, Phước Chiến, Lợi Hải và Công Hải. Đặc biệt, huyện quy hoạch 600ha đất trồng cỏ chăn nuôi, trong đó có 100ha cỏ nuôi bò sữa ở xã Bắc Phong.
Cũng từ chú trọng tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, Thuận Bắc đã thu hút được một số doanh nghiệp đến hợp tác làm ăn lâu dài với nông dân theo phương châm “đôi bên đều có lợi”. Tại Hội thảo “Liên kết 4 nhà”, các doanh nghiệp đã ký 6 bản ghi nhớ có nội dung về cho vay để phát triển sản xuất; cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi rất có lợi cho nông dân. Cụ thể, Công ty CP giống cây trồng Nha Hố ký kết với đại diện các Tổ hợp tác sản xuất bắp về cung ứng giống, tổ chức tập huấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, dự kiến thực hiện trong vụ đông-xuân 2015-2016; Công ty CP giống cây trồng Đông Nam tiếp tục ký kết với nông dân xã Công Hải sản xuất lúa giống. Ngoài ra, huyện cũng đã thu hút một số doanh nghiệp vào đầu tư chăn nuôi bò, dê theo hướng công nghệ cao.
Chương trình liên kết “4 nhà” đang triển khai ở huyện Thuận Bắc diễn ra thuận lợi nhờ có sự cam kết đầu tư vốn của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận. Ông Đặng Ngọc Ba, Giám đốc Ngân hàng, cho biết: Đơn vị đang triển khai thực hiện Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28-5-2014 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp qua chuỗi liên kết. Mô hình cho vay mới này tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, cung ứng cho thị trường mặt hàng nông sản sạch, chất lượng cao. Hiện Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận đang chỉ đạo phòng Giao dịch Thuận Bắc tập trung đầu tư cho vay chăn nuôi trang trại, gia trại, nông hộ theo hình thức công nghiệp, công nghệ cao; đầu tư cho vay công nghiệp chế biến, chú trọng chế biến sau thu hoạch theo hướng đổi mới công nghệ; đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.
Tuấn Anh