Lê Kim Hùng
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
Giai đoạn 2011 - 2015, ngành KH&CN tỉnh đã triển khai 77 đề tài, dự án, đề án các cấp, trong đó có: 4 dự án Nông thôn - Miền núi; 53 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh; 3 đề án ứng dụng và nhân rộng các mô hình sản xuất có ứng dụng tiến bộ KH&CN tại các huyện, 17 dự án cấp huyện. Hiện nay đã chuyển giao kết quả của 50 đề tài, dự án cấp tỉnh cho các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh triển khai ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Điển hình như trong lĩnh vực nông nghiệp đã nghiên cứu cho sinh sản được các loại giống thủy sản như ghẹ xanh, cua xanh, hàu cửa sông; nuôi nâng cấp giống tôm hùm xanh, du nhập các giống rong từ Philippine; du nhập và trồng đạt hiệu quả cao giống mía mới KK22 và các giống sắn mới KM 228, KM 140; khảo nghiệm đánh giá tính thích nghi của các giống bắp lai; bảo tồn và duy trì tập đoàn 176 giống nho; khảo nghiệm thành công nhiều giống nho ăn tươi và nho rượu có triển vọng, trong đó giống nho mới NH01-152 hiện đang trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm; tuyển chọn các giống lúa mới phù hợp với điều kiện khí hậu tỉnh Ninh Thuận như: OM 7347, OM 6976, OM 6600... ; nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà. Các nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN về giống đã hình thành tại tỉnh những vùng sản xuất giống lúa, bắp lai, tôm giống với sản lượng 10-12 ngàn tấn lúa giống/năm, 1-2 ngàn tấn bắp giống, 12,7 tỷ con tôm giống/năm…Nghiên cứu cải tiến các phương pháp khai thác thủy sản truyền thống kết hợp với ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế như là cải tiến lồng, bẫy truyền thống, thiết kế mẫu tàu cá truyền thống của tỉnh, ứng dụng đèn LED cho nghề lưới vây xa bờ. Nghiên cứu giải pháp bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản như xây dựng bãi cá nhân tạo.
Ngành Khoa học & Công nghệ triển khai, ứng dụng nhiều đề tài, dự án công nghệ mới về giống cây trồng, vật nuôi
phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân. Ảnh: V.M
Trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tài nguyên như nghiên cứu ứng dụng hệ thống GIS quản lý và khai thác tài nguyên; dự báo và đề xuất các giải pháp khắc phục nhiễm mặn tại đồng muối Quán Thẻ; đánh giá tác động tiêu cực và giải pháp hạn chế tác động môi trường của việc khai thác Titan; bảo tồn và phát triển các loại tài nguyên như hệ sinh thái biển tại khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân, vịnh Phan Rang, Vĩnh Hy; đánh giá tài nguyên nước lưu vực sông Cái và khả năng đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhằm phát triển các sản phẩm đặc thù, tỉnh đã triển khai các công trình nghiên cứu chế biến thực phẩm, nước uống từ rong sụn, cây măng tây; điều chế nước ót trong sản xuất muối thành một số hóa chất trong công nghiệp;…
Nhiều đề tài nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa của tỉnh, như: xây dựng mô hình xã hội học tập; mô hình quản lý du lịch cộng đồng; điều tra văn hóa phi vật thể tộc người Chăm và người Việt ở tỉnh Ninh Thuận; nghiên cứu xây dựng Giáo trình lịch sử tỉnh Ninh Thuận; tự điển Việt -Raglai, Raglai - Việt; sổ tay tự điển Chăm - Việt, Việt – Chăm; Địa danh Ninh Thuận. Trong lĩnh vực Y tế, các đề tài nghiên cứu về thiếu men Glucose-6-Phosphate dehydrogenase (G6PD) ở trẻ sơ sinh, nhiễm giun truyền qua đất đều đang được ngành Y tế ứng dụng trong công tác phòng trị bệnh tại tỉnh.
Ngành cũng đã chú trọng mở rộng phạm vi hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN. Trong 5 năm đã có 89 doanh nghiệp được hỗ trợ với kinh phí gần 2 tỷ đồng, trên nhiều lĩnh vực KH&CN như: hỗ trợ tham gia sự kiện Techmart, tổ chức hội thảo khoa học công nghệ, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, tham gia giải thưởng chất lượng Quốc gia, chương trình sở hữu trí tuệ, kiểm toán năng lượng. Nhiều sản phẩm đặc thù của tỉnh ta như Táo Ninh Thuận, Tỏi Phan Rang, Thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Gốm Bàu Trúc, Rau an toàn An Hải, Rau an toàn Văn Hải, Măng khô Bác Ái đều đã được xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với Nho Ninh Thuận và Thịt Cừu Ninh Thuận. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Bộ KH&CN triển khai thực hiện được 3 dự án phát triển Tài sản trí tuệ: Dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên Đài PT&TH tỉnh”, “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho của tỉnh Ninh Thuận”, “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm thịt cừu của tỉnh Ninh Thuận”. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục xúc tiến xây dựng 2 nhãn hiệu chứng nhận: Tôm giống Ninh Thuận và Đá granite hồng Ninh Thuận.
Niềm vui của nông dân khi sản phẩm Nho được chứng nhận bảo hộ "Chỉ dẫn địa lý Nho Ninh Thuận" góp phần nâng cao giá trị
sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: Văn Miên
Trong quản lý về Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng, ngành cũng đã triển khai nhiều hoạt động, góp phần thực hiện mục tiêu: Hạn chế tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh chân chính và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện tại, tỉnh ta đã cập nhật được 109 Tiêu chuẩn Quốc gia thuộc các lĩnh vực; thẩm tra và cấp 75 thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn, hợp quy đối với các sản phẩm đá ốp lát tự nhiên, gạch rỗng đất sét nung, ống bê-tông cốt thép thoát nước... Số lượng phương tiện được kiểm định-hiệu chuẩn-thử nghiệm đã tăng hơn 28,5% so với giai đoạn 2006-2010. Trong lĩnh vực xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, đã triển khai cho 69 cơ quan hành chính xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, trong đó đã có 60 cơ quan được Tổng cục Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng cấp giấy chứng nhận; hỗ trợ 12 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và ISO 22000:2005; có 6 doanh nghiệp được trao tặng giải bạc Giải thưởng chất lượng Quốc gia qua các năm; Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2012-2015 tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả.
Mặc dù thời gian qua, KH&CN của tỉnh ta đã gặt hái những thành công bước đầu, song hiện nay KH&CN vẫn chưa thực hiện được vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại cần phải tiếp tục tháo gỡ.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2015 - 2020, nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH&CN là phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2020 trong Chương trình hành động số 175-Ctr/TU ngày 11-3-2013 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 của BCH TƯ (khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân.
Trước hết, tiếp tục hoàn thiện việc đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức, tài chính trong hoạt động KH&CN nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ những rào cản trong các hoạt động KH&CN; xây dựng và triển khai hiệu quả trong thực tiễn về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm mở rộng, phát triển hệ thống các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực KH&CN.
Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống. Tập trung vào 2 hướng nghiên cứu chủ yếu: Cung cấp luận cứ khoa học, các vấn đề về xã hội và nhân văn phục vụ hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội; đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm năng lượng; phát triển sản xuất và nâng chất lượng các sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Thứ ba, mở rộng phạm vi hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp liên kết; làm tốt chức năng thẩm định công nghệ nhằm hạn chế công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường của các dự án đầu tư mới trong tỉnh.
Thứ tư, tăng cường hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm có lợi thế của địa phương như nho và các sản phẩm từ nho, táo, tỏi, dê, cừu, tôm giống, muối..., từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Thứ năm, tích cực hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong việc đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm, đào tạo nhân lực, hỗ trợ các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tư vấn giải pháp KH&CN nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh.
Thứ sáu, là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, vì vậy ngành KH&CN tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân...
Với sự nỗ lực và quyết tâm cao nhất, toàn ngành KH&CN phấn đấu thi đua, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, đưa tỉnh ta vươn đến một tầm cao mới trong tương lai.