Qua 5 năm thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ

(NTO) Qua 5 năm triển khai Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 29-12-2010 của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 234-TB/TW ngày 1-4-2009 của Bộ Chính trị về báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về khoa học và công nghệ (KH&CN), nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH&CN đến năm 2020, đã tạo ra bước ngoặt mới trong ngành KH&CN tỉnh nhà.

Nổi lên là, lần đầu tiên tỉnh ta ban hành cơ chế nhiệm vụ KH&CN và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng theo kết quả đầu ra, các thủ tục hành chính trong nghiên cứu khoa học cũng được rút ngắn. Hệ thống quy định mới đảm bảo 100% nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được duyệt phải có những cam kết và kế hoạch cụ thể trong ứng dụng vào thực tiễn.

 

Ngành Khoa học & Công nghệ triển khai, ứng dụng nhiều đề tài, dự án về giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ mới phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân.
Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Thông tin ứng dụng Khoa học công nghệ (Sở KH&CN) phân tích chế phẩm về thực phẩm và môi trường ứng dụng vào sản xuất.

Sự khai thông về “cơ chế” hỗ trợ đã thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chuyển giao công nghệ. Nhiều ngành, đơn vị tranh thủ đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư nâng cấp các trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Điển hình như các đơn vị làm công tác khám, chữa bệnh, phân tích, thử nghiệm, nghiên cứu của ngành Y tế được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Sở Tài nguyên và Môi trường đầu tư thiết bị, phần mềm thông tin tài nguyên và môi trường, với kinh phí 2,5 tỷ đồng; mua sắm thiết bị phòng thí nghiệm nước, không khí và vi sinh, với tổng kinh phí 8,5 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tỉnh cũng có nhiều nỗ lực, mạnh dạn đầu tư mở rộng, đổi mới thiết bị công nghệ. Đơn cử như Công ty CP mía đường Phan Rang đầu tư thiết bị lò hơi nhập khẩu từ Ấn Độ sử dụng đốt bã mía để phát điện, nâng công suất ép từ 1.000 tấn lên 1.500 tấn mía cây/ngày; Công ty CP Xuất khẩu Nông sản Ninh Thuận cải tiến thiết bị dây chuyền sản xuất hạt điều theo tiêu chuẩn HACCP, ISO; Công ty TNHH TM-DV-XD Nam Thành đầu tư cải tiến hệ thống chế biến phân bón và phụ liệu từ rác thải, sáng chế dây chuyền xử lý rác chưa qua phân loại, hệ thống sấy và cân điện tử bằng thiết bị trong nước, sáng chế xe thu gom rác bãi biển…

Kết quả đáng ghi nhận của hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh là tập trung triển khai nhiều đề tài, dự án phục vụ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các mô hình nuôi ong lấy mật, trồng cây ăn quả phân tán, trồng cây lương thực năng suất cao tại thôn Đá Hang, Cầu Gãy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải); xã Ma Mới (Ninh Sơn) đã góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở các địa bàn đặc biệt khó khăn. Việc nghiên cứu thử nghiệm và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất lúa theo quy trình “1 phải, 5 giảm”… đã làm tăng năng suất 30%, giảm chi phí đầu tư 30%, hiệu quả kinh tế tăng 30% so với sản xuất thông thường.

Ngoài ra, hoạt động KH&CN đã phục vụ đắc lực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Giai đoạn này, đánh dấu sự tập trung cho nghiên cứu đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Thành công nổi trội ở lĩnh vực thủy sản là đã sản xuất được giống ghẹ xanh, cua xanh, hàu cửa sông, nuôi nâng cấp giống tôm hùm xanh. Riêng trong lĩnh vực cây trồng, đáng kể nhất là khảo nghiệm, đánh giá tính thích nghi của các loại giống bắp lai; bảo toàn và duy trì tập đoàn 176 giống nho, khảo nghiệm thành công giống nho ăn tươi và rượu nho có triển vọng; tuyển chọn các giống lúa phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Ngoài ra, các hoạt động khác như phát triển và sản xuất sản phẩm đặc thù, bảo hộ nhãn hiệu trên thị trường, xây dựng Chỉ dẫn địa lý… cũng tạo được chuyển biến tích cực.

Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở KH&CN, nhìn nhận: Hoạt động nghiên cứu khoa học giai đoạn 2010-2015 có trọng tâm, trọng điểm, hướng vào phục vụ các chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, như: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN, nhất là hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa có hiệu quả đã tạo đà cho sản phẩm hàng hóa đặc thù của tỉnh thâm nhập vào thị trường khắp cả nước, góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế của các doanh nghiệp.

Để khoa học trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy, trong những năm tới, Sở KH&CN tập trung làm tốt các nội dung đề ra và tham mưu cho tỉnh về tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu KH&CN; thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia trình độ cao tham gia các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển KH&CN.