Làng trầu “Thuận Hòa” lưu giữ chút hồn quê

(NTO) Từ ngàn xưa, trầu cau được biết đến là lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, lễ tết… là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.

Vài năm trở lại đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh, đất đai ngày càng thu hẹp, nhiều nhà đã dần phá bỏ vườn trầu cau gắn bó làng quê mình từ bao đời- đó là thôn Thuận Hòa (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) một trong những địa phương nổi tiếng trồng trầu cau một thời.

Nằm sát trung tâm Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, thôn Thuận Hòa ven dòng sông Dinh hiền hòa, quanh năm xanh mát. Theo bà Tư Bê, người đã có hơn 60 năm gắn bó với làng cho biết: Nghề trồng trầu cau của người dân thôn Thuận Hòa không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng tuổi thơ của bà đã gắn liền với vườn trầu, hàng cau xung quanh nhà. Nhiều năm trước đây, nghề trồng trầu cau ở đây rất thịnh, mỗi nhà có ít nhất vài trăm gốc trầu và vài chục gốc cau, lúc còn nhỏ bà được cha mẹ chỉ cách leo giàn hái trầu, trèo cây hái cau. Từ đó, cây cau vườn trầu như cái nghiệp gắn bó cuộc đời của bà”. Bà cũng trãi lòng:“Hiện nay, dù không còn nhiều người ăn trầu như bà nữa nhưng cũng mong sao cái nghề này không bị mai một để con cháu biết đến cái nghề truyền thống của ông bà, dù diện tích trồng trầu cau ở làng chỉ còn vài hecta, vài chục hộ còn bám với nghề, lưu giữ chút hồn quê…

Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Chi bộ thôn Thuận Hòa: “Những vườn trầu cau không chỉ in đậm trong tâm trí người dân làng quê Thuận Hòa mà còn lưu giữ cốt cách hồn quê Việt. Việc phát huy, bảo tồn làng nghề truyền thống cũng là một trong những tiêu chí trong chương trình xây dựng Nông thôn mới tại xã Phước Thuận với chủ trương mỗi làng có một nghề…”

Đâu đó giữa cuộc sống hiện tại, hương cau, vườn trầu vẫn âm thầm len lõi vào tâm thức của người dân Việt...