Khi đàn ông đi chợ

(NTO) Cái thời “bếp núc” là công việc đặc trưng của phụ nữ đã xưa như... trái đất! Chuyện vào bếp nấu nướng ngày nay ai cũng có thể tham gia được bởi sự trợ giúp của các thiết bị nấu ăn hiện đại. Nhưng việc đi “chợ” thì bao giờ các bà, các chị, các cô vẫn là những người giỏi giang nhất. Vậy nên, khi đàn ông đi chợ thì đồng nghĩa với những “rủi ro” cười ra nước mắt.

Dịp trước Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, anh bạn cơ quan tôi may mắn có dịp được tháp tùng lãnh đạo đi công tác Hà Nội. Vốn tính phòng xa và cũng muốn mua chút quà tết từ Thủ đô về tặng bà xã, các con, một mũi tên trúng hai đích: - Thể hiện mình giỏi giang, ghi thêm điểm với vợ. Với ý định trong sáng, anh năn nỉ kế toán cơ quan: Cho anh ứng tiền kha khá, công tác về anh trả liền (bởi nghĩ vợ sẽ đưa tiền để thanh toán). Vì công tác cùng sếp nên thời gian đi mua sắm chỉ còn buổi trưa. Thay vì đi thăm thú phố phường "ngàn năm văn hiến", các buổi trưa anh theo xe ôm đến chợ Đồng Xuân, phố Tràng Tiền…mua quần áo, đồ chơi cho vợ con. Nào áo măng tô da, giày bốt kiểu, áo len, khăn choàng len, búp bê baby, bánh cốm….đủ loại. Không chỉ cho vợ con mà còn có quà cho mẹ vợ, mẹ mình, chu đáo vẹn toàn.

Ngồi trên ô tô từ sân bay về nhà, dù khá mệt sau một tuần ở Hà Nội nhưng nghĩ đến vợ con lúc nhận quà tâm hồn anh bồng bềnh tựa mây trôi. Thật như dân gian xưa “gần nhau cảm thấy bình thường, xa nhau mới thấy tình thương dạt dào”, gặp lại vợ con không khí gia đình như ngày hội. Thế rồi cái gì đến cũng đến, ngày hôm sau vợ anh nhẹ nhàng hỏi: Anh mua quà cho mẹ con em hết bao nhiêu? Vốn thật thà anh khai báo: Chưa tính cụ thể nhưng khoảng hơn chục triệu, toàn hàng xịn em à. Như chỉ chờ có vậy, cô ấy thốt lên: - Thế này thì không có tết rồi, toàn hàng China “công xưởng” (hàng nhái) mới chết chứ, mà tiền đâu ra ông "vung tay" thoải mái thế!!! Ngày hôm sau đến cơ quan anh lại năn nỉ kế toán: Này em, có khoản nào cho anh mượn trả tiền ứng rồi thư thư anh trả. Cứ tưởng mình giỏi nên giờ “mất cả chì lẫn chài”!

Chuyện anh bạn cơ quan làm dấy lên đề tài “đàn ông đi chợ” trong cánh mày râu cùng cảnh ngộ. Anh bạn trẻ mới lấy vợ được vài năm cho rằng, mình đã dự liệu trước nhưng không ngờ: - Tôi đã hạ giá ba mươi phần trăm bộ quần áo mua cho con bữa đi Sài Gòn, nghĩ vợ sẽ khen mình khéo mua ai dè cô ấy bảo “bộ này ở chợ mình chỉ …”, mình mua đắt hơn năm mươi phần trăm. Đã thế bà xã còn đế thêm: Thấy mấy em mắt xanh môi đỏ xướng bao nhiêu mà chẳng đưa tiền, thật khôn nhà dại chợ. Còn anh bạn già (gần về hưu) kể lể: Tớ từng đi từ Nam sang Bắc, làm việc ở nước trong nước ngoài đầy đủ nhưng nhiều lúc vợ cho “bài học” tức anh ách. Ví như mới đây tớ đi công tác Phước Bình, gặp măng đầu mùa bà con Raglai bán mua liền chục kí. Buổi trưa 12 giờ đi làm về, vợ kêu ra chỉ vào thau măng tươi “này, ông có nhớ vụ trái mít mười mấy kí ông mua bữa trước không (lỡ mua trái mít người ta dập tưởng đã chín), của nợ này ông để dành một mình ăn cả năm nhé”!? Đấy, tớ “già đầu” rồi còn bị té nước vào mặt huống hồ các chú. Và cứ như dịp thi kể chuyện đi chợ, cánh đàn ông được dịp “trổ” hết nỗi buồn bởi vợ không khen và cảm thông mà lại còn chê... hết cả!

Không phải tất cả các đức ông chồng đi chợ đều bị vợ chê, nhưng có lẽ tạo hoá đã ban sẵn năng lực mua bán cho phụ nữ nên việc đàn ông đi chợ có bị “hố” cũng là lẽ thường tình. Có điều, các ông chồng đều xuất phát từ những suy nghĩ tốt, từ tình yêu thương vợ con, gia đình. Vậy lẽ nào những bà xã lại phủ nhận công lao của họ. Dân gian đã đúc kết về mối quan hệ vợ chồng: Có trong tay không biết giữ-Khi mất rồi mới thấy quí. Vậy mong các quý bà, quý cô hãy vui mừng khi chồng mình đi chợ.