Trong đó, mô hình Tộc họ tự quản trong đồng bào Chăm đã mang lại những kết quả nhất định, góp phần làm chuyển biến tình hình ANTT trên địa bàn.
Ban Công an xã Phước Thái thường xuyên gặp gỡ,
trao đổi với các tộc họ về tình hình ANTT tại địa phương.
Đại tá Nguyễn Thị Thái Bình, Trưởng Công an huyện Ninh Phước, cho biết: Địa bàn huyện Ninh Phước luôn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Trước tình hình đó, Công an huyện đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn phối hợp với ngành Công an và các hội, đoàn thể xây dựng và củng cố, duy trì các mô hình nhân dân tự quản về ANTT như: Tộc họ tự quản, Tổ an ninh xung kích, Tổ nhân dân tự quản. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng, duy trì hoạt động 477 Tổ nhân dân tự quản, Tổ an ninh xung kích; 54 Tộc họ tự quản tại 7/9 xã, thị trấn góp phần đắc lực trong phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ ở địa phương. Đặc biệt, với tỷ lệ đồng bào Chăm chiếm 30% dân số toàn huyện thì việc phát huy vai trò Tộc họ tự quản về ANTT, chủ động hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ dòng tộc, giáo dục con em chấp hành pháp luật đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, các tộc họ còn vận động thành viên đóng góp Quỹ khuyến học, khuyến tài, Quỹ xóa đói giảm nghèo đã tạo điều kiện cho thanh niên trong dòng tộc nêu cao tinh thần học tập, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội... tiêu biểu như: Tộc họ Cà Ná ở Phước Hữu; tộc họ Đổng Dậu ở Phước Thái; tộc họ Cây Lim ở Phước Hậu…
Ông Đàng Năng Hòa, Ban điều hành Tộc họ Đổng Dậu, cho hay: Từ khi Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết liên quan đến công tác ANTT, các tộc họ đã thấy rõ trách nhiệm, chú trọng xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ vững chắc ngay từ trong dòng họ. Cụ thể là dòng tộc của ông đã xây dựng quy ước, quy chế hoạt động rõ ràng với các nội dung trọng tâm như xây dựng quỹ và thực hiện xóa đói, giảm nghèo; khuyến học, khuyến tài; giáo dục cảm hóa con cháu trong tộc họ không vi phạm pháp luật. Điển hình như trong năm 2012, tộc họ có 4 thanh niên (3 người cư trú ở thôn Hoài Ni và 1 người cư trú ở thôn Hoài Trung) do mâu thuẫn dẫn đến hủy hoại tài sản của người dân trong làng, trong đó có 2 thanh niên không chấp hành lệnh triệu tập làm việc của Công an. Biết chuyện, ông Hòa đã đến trao đổi, vận động, thuyết phục họ chấp hành lệnh gọi, hợp tác điều tra làm rõ sự việc. Anh Nguyễn Văn Trung, Phó trưởng Công an xã Phước Thái, cho biết thêm: Hiện toàn xã đã xây dựng được 26 Tộc họ tự quản về ANTT. Nhờ phát huy vai trò tích cực của các dòng tộc trong việc quản lý, giáo dục, vận động con em trong tộc họ không vi phạm pháp luật nên tình hình ANTT trên địa bàn xã được ổn định, số vụ vi phạm pháp luật ngày càng giảm. Đơn cử như 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn xảy ra 12 vụ việc liên quan đến ANTT, giảm hơn 50% so cùng kỳ năm 2014, Công an xã đã phối hợp với các dòng tộc và hội, đoàn thể địa phương giải quyết thành công nhiều vụ mâu thuẫn, gìn giữ đoàn kết trong thôn, xã.
Từ thực tế xã Phước Thái có thể thấy rằng hoạt động của mô hình Tộc họ tự quản về ANTT ở Ninh Phước đã có những hiệu quả nhất định. Trong thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về hoạt động của các mô hình Tộc họ tự quản; tiếp tục xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo ANTT cho 5 tộc họ ở Phước Hữu và Phước Hải. Đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả các mô hình quần chúng tự quản khác mà huyện đang duy trì nhằm đưa phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn huyện ngày càng phát triển sâu rộng.
Diễm My