Nền giáo dục nước nhà là một trong những thành tựu vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính sách phát triển giáo dục của chính quyền đô hộ chỉ theo chiều “nằm”, tức là hệ Tiểu học 6 năm chỉ có từ lớp 1 đến lớp 3; những thành phố lớn như: Hà Nội, Nam Định, Vinh, Huế, Quy Nhơn, Sài Gòn, Mỹ Tho mới có trường cấp 2; trường cấp 3 chỉ có 3 trường ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Do đó, dân số nước ta với khoảng 20 triệu người, nhưng 95% dân cư rơi vào cảnh “mù chữ”, chỉ có 5% biết chữ, người có trình độ đại học đếm trên đầu ngón tay.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đưa nhân dân lên vị trí người làm chủ đất nước. Dựa trên tư tưởng đặc biệt chú ý tới giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ chưa đầy một tuần sau khi tuyên bố Việt Nam độc lập, ngày 8-9-1945, Chính phủ đã ra 3 sắc lệnh về phát triển bình dân học vụ, nhằm giúp cho dân ta thoát nạn mù chữ.

Lớp học ban đêm ở một ngôi trường kháng chiến. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam đã hết sức quan tâm phát triển giáo dục, nên dù trong những năm kháng chiến đầy gian khổ và ác liệt nhưng từ vùng tạm chiến đến vùng tự do, hàng loạt “chiến dịch” xóa nạn mù chữ đã được triển khai mạnh mẽ.

Với thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, năm 1950 cũng là dấu mốc quan trọng của nền giáo dục khi Chính phủ quyết định cuộc cải cách giáo dục đầu tiên, phát triển hệ thống giáo dục 9 năm giáo dục phổ thông phù hợp với hoàn cảnh lúc đó; đưa phong trào bình dân học vụ lên sơ cấp, trung cấp (dù bình dân học vụ nhưng cũng có trình độ như cấp 2). Hệ thống này sau gọi là hệ bổ túc văn hóa, cùng hệ thống giáo dục phát triển từ Việt Bắc đến Khu 5 và một phần các tỉnh miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Theo đó, tất cả các tỉnh đều có trường cấp 2; tất cả các Khu đều có trường cấp 3 và chuyển dần từ hệ thống giáo dục cũ sang hệ thống giáo dục mới.

Tuy kháng chiến nhưng hệ thống trường học từ khu đến tỉnh phát triển rất mạnh. Đây là bước tiến dài so với thời gian trước Cách mạng Tháng Tám. Những năm 1950, Chính phủ đã mở các trường đại học như Đại học Y khoa ở Việt Bắc, Đại học Sư phạm ở Thanh Hóa và Nam Ninh (Trung Quốc); Cao đẳng Giao thông ở Thanh Hóa, đào tạo cán bộ có trình độ cao phục vụ chiến trường, phục vụ dân sinh... Bên cạnh đó, một lực lượng không nhỏ cán bộ được đào tạo tại nước ngoài để trở thành những đội ngũ cốt cán của nước nhà sau này.

Nhờ phát triển hệ thống giáo dục như vậy nên đã đáp ứng được một phần nhân lực có trình độ, phục vụ trong các binh chủng Quân đội nhân dân Việt Nam; nhất là những binh chủng cần có trình độ học vấn tốt, như pháo binh, tên lửa, phòng không, không quân, các ngành công nghiệp, cũng như các ngành khác để thực hiện khẩu hiệu “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung ương và Chính phủ bắt đầu cuộc cải cách lần hai vào năm 1956. Như thế, mỗi thời kỳ hòa bình đều có dấu mốc phát triển lớn về giáo dục. Tuy kháng chiến ở miền Nam ác liệt là vậy nhưng tư tưởng phát triển giáo dục theo đường lối của Đảng và Trung ương luôn được đề cao. Cả miền Bắc và các khu vực giải phóng, khu vực tạm chiếm ở miền Nam đều được mở trường mới. Thậm chí ngay Trung ương cục miền Nam cũng đã mở Trường Sư phạm Giải phóng.

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1979, Trung ương và Chính phủ lại chuẩn bị một bước phát triển mới của giáo dục bằng Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị, thực hiện khẩu hiệu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình. Tuy nhiên, Nghị quyết 14 ra đời vào thời điểm đất nước gặp khó khăn lớn nên không có điều kiện để triển khai tốt nhưng chủ trương phát triển giáo dục vẫn được kiên trì và tiếp nối ở Đại hội VI năm 1986.

Giai đoạn này, ngành giáo dục phải đối mặt với không ít thăng trầm khi nhiều nhà giáo không đứng lớp, học sinh bỏ học, một số trường giải thể. Năm 1987, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, ngành giáo dục đã đưa ra khẩu hiệu: Giữ vững ổn định và phát triển, nhằm khôi phục và đưa sự nghiệp giáo dục thoát khỏi khó khăn; tiếp tục thực hiện đường lối phát triển của Đảng, tiếp tục phong trào xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Tháng 12 năm 2000, Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu này và công bố với thế giới. 10 năm tiếp theo Việt Nam tiếp tục phổ cập giáo dục trung học cơ sở và hoàn thành vào năm 2010.

Kết quả của những nỗ lực không ngừng đó của ngành giáo dục là trong báo cáo về phát triển con người của Liên hợp quốc đã công nhận sự phát triển của giáo dục Việt Nam. Có thể thấy, sau Cách mạng Tháng Tám, dù chúng ta đã phải anh dũng hy sinh tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng đất nước kéo dài ròng rã 30 năm và sau đó phải gánh chịu những khủng hoảng, cấm vận, nền kinh tế ở mức trung bình nhưng nền giáo dục đã giành được những thành tựu đáng kể và được thế giới đánh giá cao.

Với 94% người Việt Nam biết chữ, từ năm 1990, Liên hợp quốc đã công nhận chỉ số phát triển con người của Việt Nam đạt 0,463. Trong những năm đổi mới, chỉ số này tăng lên là 0,610 đưa Việt Nam vào trong top những nước có trình độ phát triển cao. Từ đó đến năm 2013, chỉ số này là 0,638, đứng thứ 121/190 nước và vùng lãnh thổ. Riêng về chỉ số giáo dục qua tiêu chí về người biết chữ, chúng ta xếp hạng cao, đứng ở khoảng trung bình (đứng thứ 70-80) trong các nước thành viên của Liên hợp quốc.

Nhiều năm nay, khoảng 20-25% dân cư được đi học. Chúng ta đã có một hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học và sau đại học hoàn chỉnh. Đặc biệt, tại các kỳ thi quốc tế, nhất là các môn Toán và Tin học, Việt Nam luôn đứng ở trong top 5 hoặc top 10 thế giới.

Kiên trì đường lối phát triển giáo dục như là một bộ phận quan trọng của công cuộc đổi mới, tháng 10 năm 2013, Trung ương đã ra Nghị quyết 29 đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục với tinh thần chủ đạo là chuyển từ phát triển số lượng sang phát triển chất lượng, với khẩu hiệu thực học, thực nghiệp để giáo dục con người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam và nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị quyết Đại hội XI đề ra.

Tuy giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng hiện nay ngành giáo dục đang đặt ra nhiều vấn đề khiến xã hội băn khoăn, lo lắng, cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng đặt ra trong thời gian hiện nay.

Để khắc phục những hạn chế đó, bước vào phát triển đất nước, ngành giáo dục đã quán triệt và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiến trình phát triển giáo dục “xóa mù-dân trí-thông thái”, tức là từ xóa mù chữ, tiến lên nâng cao dân trí và chuyển thành một dân tộc thông thái, biết đem tri thức vận dụng vào cuộc sống, làm nên sự phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân