Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 bắt nguồn từ bài học Đại đoàn kết dân tộc

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi, một bước ngoặt lịch sử vẻ vang của dân tộc. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhất tề vùng lên Tổng khởi nghĩa, kiên quyết giành chính quyền về mình để tự quyết định vận mệnh của dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi là kết quả của 15 năm đấu tranh kiên cường bất khuất của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đây chính là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc biết tạo thời cơ và biết chớp thời cơ, vùng lên giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 là biểu tượng tuyệt vời của đại đoàn kết toàn dân tộc, của tinh thần, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

 

Ngày 19/8/1945, tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách
mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. (Ảnh tư liệu)

Đoàn kết là bài học có tính quy luật đã được tổng kết và kiểm chứng nhiều lần trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta. Hơn nữa, đoàn kết đã trở thành một giá trị tiêu biểu trong Cách mạng Tháng Tám. Vì sự tồn vong của quốc gia, dân tộc Việt Nam luôn luôn ý thức sâu sắc “nước mất thì nhà tan” và họ cũng ý thức được sự đoàn kết và chỉ khi nào khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc thì nội lực dân tộc mới có cơ hội phát huy tốt, đất nước trở nên thái bình, thịnh trị, dân chúng yên vui, hạnh phúc.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 bắt nguồn từ bài học đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam, mà còn là thắng lợi của cách mạng giành chính quyền chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhất, tổn thất nhỏ nhất, nhưng thành công lớn nhất.

Có được thành quả to lớn ấy, trước hết thuộc về sự nghiệp cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, nhưng vai trò của Lãnh tụ Hồ Chí Minh là không thể phủ nhận.

Thắng lợi này đã chứng tỏ nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, tài tình sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt là, Đảng ta đã xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là, khối đại đoàn kết toàn dân, nòng cốt là liên minh công - nông - trí thức; trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta”. Vì thế, Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi thành phần kinh tế, mọi giới và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong tổng khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám là sức mạnh của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn. Đường lối đó luôn thể hiện tư tưởng xuyên suốt của Đảng: cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Như vậy, quan điểm “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, một mặt khẳng định sức mạnh nội lực, mặt khác kế thừa, phát triển tư tưởng “lấy dân là gốc” của dân tộc ta. Mục tiêu của Cách mạng Tháng Tám là đem lại lợi ích tối cao cho dân tộc, vì lợi ích của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người; đó là: đánh đổ thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân,... Vì thế, trước lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh, toàn dân đã nhất tề đứng lên giành chính quyền.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Đoàn kết là một chính sách dân tộc, là phương pháp cách mạng, là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đảng ta chủ trương kêu gọi sự đoàn kết toàn dân; trong đó, Mặt trận Việt Minh là trung tâm quy tụ lực lượng của khối đại đoàn kết dân tộc. Công tác vận động quần chúng trong Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện tính cách mạng triệt để; nó kết tinh giá trị văn hóa, tinh thần, ý chí quật khởi của cả dân tộc anh hùng với truyền thống của hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm. Đồng thời, Đảng ta đã kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; trong nước thì vận động, tổ chức nhân dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền; ngoài nước thì liên minh với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản ở các nước, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Trong quá trình cách mạng, Đảng ta luôn kiên trì con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lê-nin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình. Tổng khởi nghĩa và thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 đã tạo nên bài học kinh nghiệm cực kỳ quý báu về đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết, đại đoàn kết là một truyền thống quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta. Đoàn kết cũng đã trở thành một giá trị tiêu biểu trong nền văn hoá chính trị Việt Nam hiện đại.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đáng chú ý là, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, với thủ đoạn hết sức thâm độc, nguy hiểm. Chúng lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với Quân đội và nhân dân; đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,... Điều đó đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ Tổ quốc; trong đó, coi trọng ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững môi trường hòa bình cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Thấm nhuần sâu sắc bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám 1945, trước hết, chúng ta phải thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác vận động quần chúng; nhất là Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Qua đó, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về yêu cầu, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thấy rõ đây là vấn đề sống còn của cách mạng. Trên cơ sở đó, nêu cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.

Để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, một vấn đề hết sức quan trọng là phải kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến địa phương và hệ thống chính trị ở cơ sở; qua đó, không ngừng tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, lấy đoàn kết trong Đảng làm cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tổ chức đảng các cấp là hạt nhân lãnh đạo, thực hiện. Đảng, Nhà nước lãnh đạo, điều hành việc xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc bằng các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương và hệ thống chính sách, pháp luật, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mục tiêu đó là điểm chung của tất cả các giai tầng trong xã hội. Vì thế, công tác vận động quần chúng đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên, nhất là tổ chức đảng các cấp đều phải tham gia “...vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân...” .

Đại đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Đảng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) “về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”: Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, văn hóa,... và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy nội lực là chính kết hợp với ngoại lực để bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Các ngành, các địa phương cần coi trọng việc đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tăng cường giáo dục quốc phòng và an ninh, nâng cao nhận thức của nhân dân về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nhân dân ta.

Bài học về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ vẫn còn nguyên giá trị. Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần tiếp tục nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự lực, tự cường, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; thực hiện toàn dân đoàn kết một lòng, biến mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành hiện thực, để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

70 năm đã trôi qua, Cách mạng tháng Tám vẫn là một sự kiện diệu kỳ trong lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại. Đã có nhiều những kiến giải khác nhau ở trong nước và trên thế giới về sự kỳ diệu của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 của Việt Nam. Ở đó có một sự thực thống nhất, lịch sử không thể phủ nhận với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, ngọn cờ dân tộc được Đảng ta giương cao hơn bao giờ hết và trong suốt hơn 4 năm, Mặt trận Việt Minh đã thực sự trở thành nhân tố trung tâm quy tụ sức mạnh của nhiều lực lượng và cá nhân yêu nước tiến bộ. Khối đại đoàn kết toàn dân đã không những được khôi phục, được củng cố mà còn được nâng lên tầm cao mới, kết hợp với sức mạnh của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, tạo ra xung lực hồi sinh mạnh mẽ để bùng phát kịp thời, khi thời cơ đến. Và ở đó, dân tộc Việt Nam, nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình lại càng vô cùng yêu quý, khâm phục, tôn vinh thiên tài lãnh đạo và tổ chức thực hiện cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám 1945, chúng ta càng hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại nhận thức đầy đủ trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá, những tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám vào công cuộc đổi mới đất nước, phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giàu mạnh về kinh tế, văn hóa - xã hội; đảm bảo về quốc phòng-an ninh, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam