Nhớ lại những ngày Cách mạng tháng Tám hào hùng

Vào ngày này cách đây 70 năm (19/8/1945), sau một thời gian chuẩn bị rất ngắn, Xứ uỷ Bắc Kỳ, Thành uỷ Hà Nội đã phát động nhân dân Hà Nội nổi dậy giành chính quyền. Ngay từ sáng sớm, Hà Nội đỏ rực màu cờ cách mạng. Hàng vạn nông dân, dân nghèo, với các vũ khí thô sơ từ Láng, Mọc kéo ra chiếm đại lý Hoàn Long, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng khu vực Ngã Tư Sở, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa ở nội thành.

Hàng vạn quần chúng nhân dân ngoại thành, từ các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Đông), Gia Lâm (Bắc Ninh) mang theo cờ Việt Minh, gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm tiến vào nội thành với sức mạnh như thác đổ. Tất cả đều tập hợp trước Nhà hát Lớn. Cả thành phố Hà Nội như rung chuyển trong tiếng hô khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh", “Chính quyền nhân dân cách mạng", "Cách mạng thành công muôn năm", "Lập uỷ ban dân quân cách mạng", “Việt Nam hoàn toàn độc lập", “Đả đảo các cuộc xâm lăng", “Đả đảo mọi thế lực chống cách mạng Việt Nam”, “Chống xâm lăng"...

Cuộc mít tinh của 20 vạn đồng bào tại Nhà hát lớn sáng ngày 19/8/1945
(Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)

Đúng 11 giờ, trước hơn 20 vạn người tập trung trước Nhà hát Lớn, Uỷ ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa:

“Thưa quốc dân đồng bào!

Nhân danh Việt Minh, từ trên diễn đàn này, chúng tôi gửi lời chào cứu quốc thân ái toàn thể đồng bào đã đến dự cuộc biểu tình ngày hôm nay một cách nhiệt liệt và đông đảo. Sự tham gia hăng hái ấy là một dấu hiệu rất lạc quan, chứng tỏ lòng nhiệt thành yêu nước của các bạn và sự tín nhiệm chân thành mà các bạn đã đặt vào Việt Minh. Đó là một khích lệ vô cùng cảm động khiến trong giờ phút nghiêm trọng này, qua những cuộc khởi nghĩa võ trang bùng nổ khắp xứ, tất cả những chiến sĩ cứu quốc đều thêm phấn khởi không lúc nào lại tin tưởng ở sự thành công bằng lúc này. Nhưng trách nhiệm cũng vì thế mà thêm nặng nề và chúng tôi xin nhận trách nhiệm nặng nề đó.

Trong lúc quân đội Nhật, theo lệnh của Nhật hoàng, đã bãi chiến khắp các mặt trận, và bọn đế quốc Pháp nuôi cuồng vọng khôi phục chủ quyền ở Đông Dương đang ngóc đầu lăm le hoạt động, chúng ta cần phải có một thái độ thật rõ rệt, thật đường hoàng, thật cương quyết!

Đối với quân Nhật, chúng ta sẽ rất ôn hoà tránh tất cả những sự xô xát vô ích, bất lợi cho cả đôi bên, đồng thời chúng ta có thể dùng ngoại giao làm cho Nhật hiểu rõ tình thế, tán thành cách mạng Việt Nam và trao khí giới cho ta.

Đối với bọn Pháp có dã tâm khôi phục chủ quyền ở Đông Dương, chúng ta phải cương quyết đối phó, và nếu cần, phải quyết chiến, chống những cuộc xâm lăng của chúng cũng như của tất cả các đế quốc khác.

Nhưng muốn được như thế điều cần nhất lúc này là chúng ta phải thành lập ngay một Chính phủ Cộng hoà Dân chủ Việt Nam trong đó dân chúng được tham dự chính quyền để tự định đoạt số phận của mình.

Chính phủ nhân dân cách mạng Việt Nam ấy sẽ ban bố những quyền tự do cho toàn thể quốc dân, sẽ cải thiện sinh hoạt vật chất và tinh thần cho dân chúng và đồng thời tổng động viên lực lượng toàn quốc để bảo vệ và củng cố nền độc lập chân chính của nước nhà. Chỉ có chính phủ nhân dân cách mạng mới đủ uy tín và năng lực thực hiện nguyện vọng tha thiết chung của toàn thể dân tộc ta là độc lập, tự do và hạnh phúc. Chỉ có Chính phủ nhân dân cách mạng mới đủ uy tín và năng lực để lãnh đạo dân tộc ta đến một tương lai rạng rỡ, xứng đáng với quá khứ oanh liệt còn ghi chép trong quốc sử.

Hỡi quốc dân đồng bào!

Hãy tự tin, tự cường, hãy tỏ cho thế giới biết đến sức sống dồi dào, đến ý chí chiến đấu cường liệt của dân tộc Việt Nam luôn luôn vươn tới một cảnh đời phóng khoáng và độc lập. Hãy cùng chúng tôi hô to những khẩu hiệu này:

- Đánh đổ mọi lực lượng xâm phạm đến nền độc lập Việt Nam!

- Đả đảo bọn Pháp muốn khôi phục chủ quyền ở Đông Dương!

- Đánh đổ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, Phan Kế Toại!

- Thành lập Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam!

- Việt Nam hoàn toàn độc lập!

- Cách mạng giải phóng thành công muôn năm!”

Sau cuộc mít tinh trước Nhà hát lớn, quần chúng cách mạng đã tấn công
chiếm Phủ Khâm sai và nhiều vị trí them chốt khác tại Hà Nội
(Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)

Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng có các đơn vị vũ trang tự vệ dẫn đầu chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu: Phủ Khâm sai, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát... Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng tự vệ kiên cường, hầu hết các công sở chính quyền địch đều nhanh chóng về tay nhân dân. Riêng ở trại lính bảo an, quân phát xít Nhật cho xe tăng chặn đầu đoàn biểu tình, nhưng trước khí thế sôi sục của quần chúng, lại được các đồng chí ta thuyết phục, nói rõ chính sách của Đảng, Việt Minh, chúng phải rút lui. Ngay khi chiếm được Phủ Khâm sai, đồng chí uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ có mặt tại đó gọi điện cho Thị trưởng, Tỉnh trưởng các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định báo tin cách mạng đã thành công ở Hà Nội, ra lệnh cho chúng phải nhanh chóng trao chính quyền cho Việt Minh địa phương. Tối ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc thắng lợi.

Ngày 20/8/1945, Uỷ ban Nhân dân cách mạng Hà Nội được thành lập, Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ cũng được tổ chức.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội có ý nghĩa rất lớn lao. Suốt hơn nửa thế kỷ trước đó, Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi có ý nghĩa tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ thực dân trên đất nước ta.

Khởi nghĩa thành công ở Hà Nội là một đòn chí mạng giáng vào chính quyền tay sai phát xít Nhật ở hầu khắp cả nước, đẩy chúng đến chỗ hoàn toàn tuyệt vọng, tan rã và đầu hàng cách mạng.

Khởi nghĩa thành công ở Hà Nội như một tiếng bom vang dội nhanh chóng lan truyền khắp nơi, động viên, cổ vũ nhân dân cả nước gấp rút nổi dậy giành chính quyền. Gần như toàn bộ các tỉnh miền Bắc đến Thanh Hoá, Nghệ An đều tiếp theo Hà Nội tiến hành khởi nghĩa. Quân đội chính quyền Trung Hoa dân quốc mới vào tỉnh lỵ ở thượng du, thì tất cả các vùng trung du, châu thổ đã rợp bóng cờ cách mạng. Chính quyền về tay nhân dân.

Thắng lợi ở Hà Nội đã tạo điều kiện để Trung ương Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chuyển đại bản doanh về Hà Nội, từ đó chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, chuẩn bị các điều kiện đón tiếp quân Đồng minh.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội còn có tầm quan trọng trong việc gợi mở một phương thức khởi nghĩa giành lấy chính quyền một cách không phải đổ máu ở những nơi giằng co với Nhật và nguỵ quyền thân Nhật, hoặc ở ngay những nơi ta đã giành được chính quyền rồi nhưng chính quyền chưa ổn định.

Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh nhận định: “Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở miền Bắc gồm cả Hà Nội, Huế là thắng lợi có tính chất quyết định của cuộc khởi nghĩa. Thắng lợi của miền Bắc tạo điều kiện và cổ vũ nhân dân ở Nam Bộ và những vùng chưa giải phóng nổi dậy giành chính quyền không chậm trễ được nữa".

Hà Nội xứng đáng là ngọn cờ đầu của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam