Ký ức ngày Độc lập

Vào những ngày cả nước kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ những đoàn viên của Đoàn thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu. Một thời hào hùng đứng lên giành chính quyền dịp Cách mạng tháng Tám 1945 và ký ức về Tết Độc lập đầu tiên vẫn còn rất đậm nét trong tâm trí họ.

Ký ức còn vẹn nguyên

Những thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu ngày ấy giờ đều đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi nói về những ngày tháng sục sôi cách mạng, trong mắt họ lại ánh lên niềm tự hào, xúc động.

Ông Lê Đức Vân - Trưởng ban liên lạc đội thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu cho hay: Ngày 17/8/1945, Tổng hội Viên chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Nhà hát Lớn. Hàng vạn người dân kéo đến xem cuộc mít tinh. Trong khi đó, ngay từ đầu ta có chủ trương phá cuộc mít tinh đó nên đã huy động tất cả hội viên trong Mặt trận Cứu quốc đi dự. Thành viên nào cũng phải mang theo cờ đỏ sao vàng đứng xen lẫn với nhân dân. “Khi mới tuyên bố khai mạc buổi lễ, một số thanh niên nhảy lên khán đài cướp micro và hô hào nhân dân đi theo Việt Minh đứng lên khởi nghĩa. Cùng lúc đó 500 anh em ở dưới phất lá cờ đỏ sao vàng lên, đồng thời một lá cờ rất to buông từ tầng 2 Nhà hát Lớn xuống…” - người cựu thanh niên Thành Hoàng Diệu hào hứng kể lại.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền
do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu)

Rất nhiều bạn trẻ, khi gặp những cựu thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu thường thắc mắc tại sao lớp thanh niên trẻ như thế mà khi tham gia vào cuộc kháng chiến lại có được những chiến công lớn như vậy. Ông Vân trầm ngâm: Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu đa số là học sinh, sinh viên và hoạt động trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, phải đối mặt với sự tàn bạo của địch nhưng vì độc lập của dân tộc, họ luôn sẵn sàng chấp nhận cái chết. “Thế cho nên, tuy chỉ là những chàng trai mười tám, đôi mươi nhưng khi được giác ngộ họ đã phát huy hết khả năng. Họ đều là những cán bộ, nhất là cán bộ đoàn thanh niên, hoạt động rất hiệu quả, sáng tạo. Khi thấy có cơ hội cống hiến cho đất nước, giải phóng đất nước thì khí thế sục sôi”.

Đối với ông Nguyễn Tiến Hà (88 tuổi) đã từng tham gia công tác chuẩn bị và chứng kiến những ngày Hà Nội trong khí thế của cuộc Tổng khởi nghĩa 1945, có rất nhiều câu chuyện đáng nhớ. Cùng với tinh thần của thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ, điều ông Hà nhớ nhất là tinh thần của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong ngày Quốc khánh 2/9.

Ông Hà nhớ lại, sáng 2/9/1945, khoảng 20 vạn nhân dân Thủ đô nô nức tham gia vào đoàn người mít tinh tại Quảng trường Ba Đình. Khi xuống đường để tiến về Quảng trường Ba Đình, mọi người xếp hàng thành cả đoàn dài. Phụ nữ đi trước, nam giới đi sau. Vừa đi vừa hô: “Ủng hộ Việt Minh!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!” suốt dọc đường Bưởi xuống tận Quảng trường Ba Đình. Thỉnh thoảng có người bước tách ra khỏi hàng hô một câu, cả hàng lại đồng thanh giơ tay hô theo. Ai cũng muốn đi sớm để mong được chứng kiến giờ phút lịch sử của dân tộc. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, mọi người chăm chú nghe. Lúc Bác hỏi “Tôi nói đồng bào nghe có rõ không?” thì cả rừng người hô vang: “Có ạ! Có ạ” rồi vỗ tay vang trời. “Chúng tôi xúc động lắm! Nhất là khi Bác nói: “Không đi lính cho Pháp!”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” thì mọi người nghe rõ lắm!, ông Hà rưng rưng nhớ lại.

Còn ông Nguyễn Hải Hùng – nguyên Đội trưởng đội tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội cho biết: Thanh niên của Hà Nội tham gia vào cuộc Cách mạng tháng Tám không chỉ là những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội mà là thanh niên ở khắp mọi miền đất nước về học tập tại Hà Nội. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thời đó, thì thanh niên luôn xung phong đi đầu đến những nơi khó khăn.

Cách mạng tháng Tám đã rèn luyện cho một đội ngũ thanh niên Hà Nội tinh thần và ý chí luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bởi thế, sau Cách mạng tháng Tám, thanh niên Hà Nội đã xung kích tham gia các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, góp phần quan trọng bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước.

Không chỉ ông Vân, ông Hà, ông Hùng mà ở thời điểm đó, còn có hàng vạn người dân Hà Nội bình dị khác cũng hết mình với từng công việc dù là nhỏ nhất để làm nên thành công của ngày Tết Độc lập đầu tiên.

Niềm tin vào thế hệ trẻ

Là những người được sống trong không khí hào hùng của những ngày tháng lịch sử, được đóng góp và cảm nhận sự đổi thay của đất nước, những cựu Thanh niên cứu quốc năm xưa luôn tin vào thế hệ trẻ hôm nay.

Ông Nguyễn Tiến Hà cho rằng, nước nhà có phát triển hay không nhờ vào thế hệ thanh niên kế tiếp, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "Thanh niên là rường cột của nước nhà”. Ông luôn tin rằng, thế hệ trẻ hiện nay sẽ tiếp nối truyền thống cách mạng của những thế hệ cha anh, viết tiếp nên những trang sử hào hùng của dân tộc, tập trung làm “cách mạng” đổi mới, đưa đất nước phát triển ngày một giàu đẹp.

Dù bây giờ có người nói thanh niên không thích học lịch sử, thanh niên có nhiều thói hư, tật xấu…. đây là thực tế. Nhưng không ai phủ nhận những việc, những đóng góp mà lớp thanh niên cả nước đã và đang tiếp tục làm. Hình ảnh màu áo xanh tình nguyện đi đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Tổ quốc để giúp đỡ đồng bào đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với mọi tầng lớp nhân dân. Vì thế, tôi tin rằng thế hệ trẻ thanh niên ngày nay vẫn không hề mai một ý chí chiến đấu, ý chí xây dựng và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, đúng như lời Bác Hồ đã dạy “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, ông Hùng khẳng định.

Mỗi lời kể của những nhân chứng đều sáng lên niềm hãnh diện khi được trưởng thành trong những năm tháng lịch sử. Đó là những năm tháng tuổi trẻ Thủ đô hăng hái tham gia vào hoạt động tiền khởi nghĩa và thúc đẩy phong trào thanh niên cứu quốc ngày một lớn mạnh. Hoạt động cách mạng của những thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu tiêu biểu cho truyền thống yêu nước quật cường, sự mưu trí, sáng tạo và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Họ là minh chứng sống động khẳng định trong bất cứ hoàn cảnh nào, thanh niên cũng là lực lượng xung kích, đi đầu và là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam