Nghệ thuật chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa

Đánh giá và xác định đúng thời cơ, có hành động kịp thời, mau lẹ chớp thời cơ là một trong những nhân tố rất quan trọng bảo đảm thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Xuất phát từ thực tiễn khách quan, ngay từ Hội nghị lần thứ sáu (11-1939), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định thời cơ giành chính quyền sẽ tới khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc và nhấn mạnh: “Ở các nước thuộc địa, hết thảy dân tộc bị áp bức sẽ vùng dậy tranh đấu liều sống, liều chết với đế quốc xâm lược để cởi vứt cái ách tôi đòi. Dân các nước tư bản đòi giải phóng. Dân tộc các thuộc địa đòi độc lập”(1). Ở Đông Dương, cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị do chiến tranh đế quốc gây ra “sẽ nung nấu cách mệnh Đông Dương bùng nổ và tiền đồ cách mệnh giải phóng Đông Dương nhất định sẽ quang minh rực rỡ”(2).

Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương lần thứ tám đã ra nghị quyết, dự báo một cách chính xác hệ quả trực tiếp của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công…”(3). Thực tiễn lịch sử chứng minh tính đúng đắn của dự báo do Đảng ta đưa ra. Với chiến thắng của Liên Xô và các lực lượng Đồng minh trước chủ nghĩa phát xít, thời cơ cách mạng đã đến với nhiều nước trên thế giới khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Chiếm Bắc Bộ Phủ trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8-1945.
Ảnh tư liệu.

Không chỉ dự báo và xác định được thời cơ giành chính quyền cách mạng, từ rất sớm, Đảng ta đã phân tích chính xác mâu thuẫn giữa các thế lực đế quốc, nhận định phát xít Nhật sẽ đảo chính hất cẳng thực dân Pháp ở Đông Dương và vạch ra kế hoạch hành động khi xuất hiện tình hình mới. Ngày 15-2-1944, trong bài “Bóc trần mưu gian của đế quốc Nhật! Thống nhất hành động đánh đổ thù chung!” đăng trên Báo Cờ giải phóng, Tổng Bí thư Trường Chinh xác định sớm hay muộn cuộc đấu súng Nhật-Pháp nhất định sẽ xảy ra. Từ đó đến đầu năm 1945, vấn đề “cuộc đảo chính của phát xít Nhật” luôn được nhắc tới trong những văn kiện, tài liệu tuyên truyền của Đảng, định hướng công tác chuẩn bị của phong trào cách mạng cho thời điểm “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Vì thế, khi cuộc đảo chính của Nhật nổ ra vào đêm 9-3-1945, Đảng ta đã chủ động vạch ra những nhiệm vụ chiến lược sát đúng để đưa cách mạng tiếp tục tiến lên. Ngay trong đêm Nhật-Pháp bắn nhau, từ chập tối, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh khai mạc tại chùa Đồng Kỵ, Bắc Ninh. Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, nhận định: Cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương đã tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi, tuy vậy cũng đã tạo ra những tiền đề cần thiết thúc đẩy cuộc khởi nghĩa chóng tới. Ngoài việc xác định kẻ thù mới và đề ra khẩu hiệu đấu tranh mới, Ban Chấp hành Trung ương còn dự báo hai khả năng làm xuất hiện thời cơ cho nhân dân ta vùng dậy giành chính quyền trên cả nước: Một là, quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật; hai là, Nhật đầu hàng Đồng minh.

Dưới ánh sáng của Chỉ thị Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, các cấp bộ đảng từ Trung ương đến địa phương đã theo dõi sát sao diễn biến mặt trận Thái Bình Dương. Sau khi Hồng quân Liên Xô tiêu diệt đạo quân Quan Đông của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc và Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki, trưa ngày 15-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh.

Như vậy, thời cơ xuất hiện như khả năng thứ hai mà Đảng ta đã dự báo. Lúc này, dù đang bệnh nặng, tại lán Nà Nưa, Tân Trào (Tuyên Quang), lãnh tụ Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm: “Lúc này thời cơ đã đến, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(4). Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ủy ban ra Quân lệnh số 1, nêu rõ: “… Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”(5).

Ngày 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào. Hội nghị nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới"(6). Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa kết thúc, ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân được tổ chức tại Tân Trào (Tuyên Quang), quyết định phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.

Trong Cách mạng Tháng Tám, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng khoảng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (15-8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp ước Pốt-xđam (5-9). Nếu phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 15-8 thì quân Nhật còn mạnh và sau ngày 5-9, trên đất nước có nhiều kẻ thù, cách mạng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tổng khởi nghĩa đã diễn ra từ 14 đến 28-8-1945 trong bối cảnh Cao trào kháng Nhật cứu nước đã lên đến đỉnh cao, Nhật Bản đã thua trận và đầu hàng, chiến tranh thế giới vừa kết thúc, chính quyền tay sai của Nhật ở Đông Dương không còn chỗ dựa, quân Đồng minh chưa kịp kéo vào nước ta. Đảng và nhân dân ta đã chớp thời cơ, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian đó.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân

-----------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.515-516.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.535.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.100.

(4) Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb QĐND, Hà Nội, 1969, tr.212.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.421-422.

(6) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb QĐND, Hà Nội, 2006, tr.131.