Vấn đề hôm nay:

Để người dân “mặn mà” với BHYT!

(NTO) Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là mục tiêu mà Đảng, Chính phủ quyết tâm thực hiện, để mọi người dân, dù giàu hay nghèo, cận nghèo đều được khám chữa bệnh bình đẳng như nhau. Đây còn là chính sách lớn, quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhằm huy động sự tham gia của mọi người trong việc chăm lo sức khỏe nhân dân, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Trong những năm qua với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, ngành Y tế, Bảo hiểm Xã hội, việc thực hiện Đề án BHYT toàn dân đã đạt được một số kết quả tích cực, người tham gia BHYT được hưởng dịch vụ y tế với chất lượng cao hơn, giảm chi phí cho người bệnh, góp phần giảm nghèo và phát triển bền vững, thực hiện bình đẳng xã hội...Chỉ tính đến đầu năm 2015, toàn tỉnh đã có gần 388.550 người tham gia BHYT, đạt 65,82% dân số. Trong số này, riêng đối tượng hộ gia đình đạt 23,21%, tăng 4,73% so năm trước.

Người dân xã Xuân Hải (Ninh Hải) khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế xã. Ảnh: Sơn Ngọc

Để tạo thuận lợi cho người dân, ngoài 19 cơ sở y tế công lập toàn tỉnh còn có 100% trạm y tế xã, phường được triển khai khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Điều đáng nói là mặc dù mới chỉ có 47,7% số xã có bác sỹ nhưng nhờ thực hiện luân phiên đưa bác sỹ về khám, chữa bệnh định kỳ 2-3 ngày/tuần tại những nơi chưa có bác sỹ nên đã triển khai được 80% danh mục kỹ thuật trong khám, chữa bệnh BHYT cho người dân theo quy định của Bộ Y tế. Hay như đối với Bệnh viện tỉnh, đến nay đã thực hiện được 226 kỹ thuật khám, chữa bệnh thuộc tuyến Trung ương, góp phần giảm đáng kể chuyển viện lên tuyến trên như trước đây, đồng thời giảm chi phí, thời gian…cho người bệnh nói chung. Ngoài ra, các bệnh viện tuyến huyện thực hiện có hiệu quả khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và điều trị các bệnh lý thông thường, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương…

Tuy có nhiều nỗ lực như đã nêu trên nhưng thực tế tỷ lệ người dân trong tỉnh tham gia BHYT vẫn còn thấp hơn mức trung bình của cả nước (71,4%). Thử tìm hiểu nguyên nhân cho thấy không ít người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi thực hiện khám, chữa bệnh BHYT vì…”sợ” thiếu chu đáo so với khám “dịch vụ”!... nên chỉ mua BHYT khi có bệnh nặng hay bệnh nan y. Mặt khác, cân phân mà nói chất lượng khám, chữa bệnh tại một số cơ sở y tế, nhất là tại trạm y tế xã, phường chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thêm vào đó, khi thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng tại trạm y tế, người bệnh có thẻ BHYT chưa được thanh toán chi phí và danh mục thuốc tại đây còn ít. Một nguyên do khác là khi người dân tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh thì BHYT chỉ thanh toán chi phí điều trị nội trú bằng 60% và người bệnh phải tự chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú…

Tỉnh ta xác định mục tiêu về BHYT toàn dân đó là, đến hết năm 2015 ít nhất đạt trên 70% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 ít nhất con số này đạt trên 80%. Để thực hiện đạt và vượt mục tiêu đã nêu, yêu cầu đầu tiên là cần nhận rõ để khắc phục các hạn chế, đẩy mạnh làm tốt hơn nữa chính sách bảo hiểm y tế toàn dân. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động Nhân dân tham gia BHYT; có trách nhiệm triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHYT toàn dân. Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh của hệ thống y tế, chú trọng nâng cao năng lực cho y tế tuyến dưới; tăng cường hỗ trợ chuyên môn giữa các bệnh viện, nhất là cho các bệnh viện tuyến dưới, tạo thuận lợi cho người dân và giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến trên…

Theo ngành Y tế, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân sẽ phải làm tốt 2 yếu tố, đó là giảm chi từ túi tiền của người bệnh và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Suy cho cùng, nếu làm tốt những điều này thì sẽ không quá khó để đạt mục tiêu tỉnh ta đã đề ra.