Quả ngọt từ sự dám nghĩ, dám làm

Mọi người biết đến nhà giáo Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Bàn là một trong số ít cán bộ quản lý giáo dục đầu tiên tỉnh Quảng Nam vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng trao tặng với những thành tích cống hiến cho ngành GD&ĐT.

 Còn chúng tôi biết đến ông trong những lần thực tế vào cơ sở điều tra, phản ánh các hiện tượng tiêu cực liên quan đến khoản tiền thu chi của nhà trường đối với học sinh, hay hoạt động dạy thêm học thêm trái với quy định xảy ra trên địa bàn.

Mô hình bể bơi theo cụm trường tại Điện Bàn đang phát huy tính ưu việt trong giáo dục thể chất

Trên cương vị là một trưởng phòng GD&ĐT, ông đã cầu thị tiếp nhận những thông tin mà báo chí phản ánh, kịp thời tổ chức thanh kiểm tra và nghiêm khắc xử lý kịp thời nhằm trả lại nền nếp, kỷ cương vốn có cho môi trường giáo dục.

Nhà giáo có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn, năm 1978, ông trực tiếp tham gia giảng dạy ở nhiều cấp học khác nhau tại nhiều trường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Trong khoảng thời gian 11 năm giảng dạy, trên vai trò của một giáo viên, ông đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, nhiều giải pháp mang tính chuyên môn đã được ông mạnh dạn triển khai và mang lại những hiệu quả, thành công hết sức ấn tượng, tạo cú hích thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục tại cơ sở.

Chừng ấy đã đủ vốn liếng cho bất cứ ai trong cương vị lãnh đạo trường học. Huống chi hơn thế nữa, ông còn là một trong số ít hiệu trưởng nhạy bén trong công tác chỉ đạo chuyên môn, tinh tế trong quản lý hành chính sự vụ tại cơ sở; chính điều ấy mà chất lượng dạy và học tại những trường ông phụ trách đều có bước phát triển vững chắc.

Trong khoảng thời gian từ 1989 – 2008, trên vai trò chuyên viên và Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Bàn phụ trách chuyên môn, thông qua các buổi tập huấn cho đội ngũ giáo viên, dự giờ, hội thảo chuyên đề, tổ chức thi cử… càng làm giàu thêm kiến thức và năng lực chuyên môn của ông.

Được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh mến mộ và ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đánh giá cao, song có thể nói, phần thưởng có ý nghĩa nhất đối với người thầy giáo này trong thời kỳ đất nước đổi mới vẫn là tấm Bằng khen của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Với uy tín ấy, năm 2009, ông được bổ nhiệm Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Bàn. Lúc bấy giờ, ngành GD&ĐT huyện Điện Bàn đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhất là hệ thống trường lớp chưa đồng bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu thốn, công tác phổ cập giáo dục còn đặt ra nhiều vấn đề chưa thể giải quyết, đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu, chưa được chuẩn hóa…

Trưởng phòng GD&ĐT Nguyễn Tấn Ngọc đã ngay lập tức tham mưu với chính quyền huyện Điện Bàn, Sở GD&ĐT Quảng Nam xây dựng kế hoạch giải quyết.

Chưa đầy 5 năm sau, bộ mặt ngành GD&ĐT huyện Điện Bàn đã dần dần thay đổi diện mạo, trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu thành tích của tỉnh Quảng Nam.

Tận tâm và trách nhiệm

Nhà giáo Nguyễn Tấn Ngọc – Trưởng phòng GD&ĐT Điện Bàn (Quảng Nam)

Khi trả lời câu hỏi của chúng tôi về yếu tố nào đã giúp cho ngành GD&ĐT huyện Điện Bàn có tốc độ phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, thầy Nguyễn Tấn Ngọc chân thành cho biết:

Yếu tố quyết định tất cả là trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải thực sự xem việc đầu tư cho giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, bởi vì chỉ có con đường phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục mới làm thay đổi diện mạo của một địa phương.

Chính nhờ chủ trương, đường lối đúng đắn đó đã tạo điều kiện cho ngành GD&ĐT Điện Bàn tập trung được trí tuệ và nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với các giải pháp và lộ trình phù hợp với tình hình của địa phương. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất vẫn là công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Trong thời gian qua, ngành GD đã đề ra nhiều giải pháp giúp đỡ, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tích cực tham gia các chương trình đào tạo khác nhau nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn và nâng chuẩn trình độ trong tình hình mới.

Trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo các trường đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn trong nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học bằng các hình thức như cải tiến hình thức sinh hoạt cụm chuyên môn liên trường, hội thảo, báo cáo chuyên đề, sáng kiến kinh nghiệm...

Phải chăng chính nhờ sự nhạy bén, tinh tế, sắc sảo và linh hoạt trong công tác chỉ đạo thực hiện của người đứng đầu ngành GD&ĐT Điện Bàn mà chất lượng dạy học từ bậc TH đến THCS trong những năm qua đạt kết quả khá vững chắc. Chính vì tấm lòng tận tụy, tâm huyết với nghề mà khi chia tay chúng tôi, ông vẫn còn trăn trở:

“Trong thời gian qua ngành GD&ĐT Điện Bàn đã triển khai dạy đại trà môn Tiếng Anh và CNTT cho học sinh từ lớp 3 - 5 bậc tiểu học, đồng thời triển khai thí điểm Mô hình Trường học mới một cách rất hiệu quả.

Đây thực sự là những tiền đề căn bản cho việc thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng phát triển, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức cho học sinh…

Tuy nhiên, làm thế nào để kế thừa những kết quả đó trong các bậc học tiếp theo là điều mà ngành GD&ĐT địa phương hết sức băn khoăn, trăn trở”.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại