Phóng viên: Xin Châu Thanh Vũ vui lòng cho bạn đọc Báo Ninh Thuận được biết việc học tập và con đường đến với học bổng tiến sĩ cũng như những thuận lợi và khó khăn của anh trên đất nước Hoa Kỳ?
Châu Thanh Vũ: Sinh ra và lớn lên trong gia đình công chức ở một địa phương mà cuộc sống đời thường của mọi người còn nhiều khó khăn, tôi nhận thức phải cố gắng học tập hết mình để có những kiến thức góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận. Sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 tại Trường THCS Lê Hồng Phong (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm), tôi thi đậu vào lớp chuyên Tin học của Trường Phổ thông Năng khiếu thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Năm học lớp 11, tôi may mắn được tổ chức United World College của Việt Nam trao học bổng toàn phần theo học hai năm cuối cấp phổ thông tại Hoa kỳ. Đây là ngôi trường chỉ có 200 học sinh đến từ hơn 80 quốc gia trên thế giới. Sau khi tốt nghiệp tú tài loại xuất sắc, tôi được nhận học bổng toàn phần của 9 trường Đại học tại Hoa Kỳ và Đức, Canada. Tôi đã chọn vào học khoa Kinh tế của Đại học Princeton thuộc tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ.
Châu Thanh Vũ trao đổi với phóng viên Báo Ninh Thuận.
Sau 4 năm học tập tại Đại học Princeton, tôi nỗ lực rèn luyện với ước mơ trở thành nhà nghiên cứu kinh tế góp phần phát triển đất nước Việt Nam. Với những nỗ lực nghiên cứu và kết quả học tập tốt, tôi được các giáo sư tận tình giúp đỡ viết thư giới thiệu, hoàn tất hồ sơ xin nhận học bổng đào tạo chương trình tiến sĩ của các trường đại học. Rất may mắn, tôi được 8 trường Đại học tại Hoa Kỳ chấp thuận cấp học bổng toàn phần chương trình đào tạo tiến sĩ với kinh phí khoảng 80 ngàn USD/năm. Tôi đã lựa chọn Đại học Harvard vì đây là một trong những ngôi trường đào tạo danh giá nhất Hoa Kỳ. Tiêu chí lựa chọn để cấp học bổng tiến sĩ của trường Harvard bao gồm 3 lá thư giới thiệu của 3 giáo sư từng dạy hoặc làm việc, điểm trung bình đại học, độ khó của các môn toán và kinh tế đã học, bài nghiên cứu mẫu và một số tiêu chí khác. Trong đó, thư giới thiệu của các giáo sư có vai trò quan trọng vì đó là những người nắm rõ tiềm năng của sinh viên. Dự định sau khi lấy bằng tiến sĩ, tôi làm giáo sư giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, hoặc làm việc cho các tổ chức công như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ tiền tệ thế giới. Đồng thời, cũng như các giáo sư Kinh tế khác của các trường ĐH Mỹ, tôi muốn kết hợp nghiên cứu của mình với công việc tư vấn chính sách cho các Chính Phủ, đặc biệt tập trung góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.
Qua sáu năm học tập tại Hoa Kỳ, thuận lợi lớn nhất của tôi là được học tập trong môi trường giáo dục bảo đảm điều kiện vật chất và đội ngũ giáo sư hàng đầu thế giới trên lĩnh vực kinh tế. Khó khăn lớn nhất trong những năm đầu đến Hoa Kỳ là vốn liếng tiếng Anh quá ít ỏi của cậu học sinh tỉnh nhỏ nên hạn chế trong giao tiếp. Tôi đã nỗ lực học môn tiếng Anh chỉ sau một thời gian ngắn là tiếp thu tốt các bài giảng của thầy cô giáo và trao đổi chia sẻ kinh nghiệm học tập với bạn bè học sinh, sinh viên đến từ nhiều quốc gia.
Phóng viên: Sự trưởng thành của mỗi người là kết quả của mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Châu Thanh Vũ có thể chia sẻ cùng bạn đọc về sự quan tâm chăm lo của gia đình trên bước đường học tập của anh?
Châu Thanh Vũ: Tôi sinh năm 1992 cùng thời điểm tái lập tỉnh Ninh Thuận. Ba tôi là kỹ sư CNTT đã dìu dắt định hướng cho tôi từ khi còn là học sinh lớp 5 của Trường TH Phủ Hà 2. Năm lớp 5, tôi may mắn đoạt giải Nhì kỳ thi Tin học dành cho con em ngành Bưu điện và giải Nhì kỳ thi Tin học trẻ không chuyên toàn quốc. Ba mẹ luôn đồng hành chia sẻ cùng tôi trong những lúc khó khăn. Tôi đã chủ động tìm kiếm thông tin khi đăng ký thi vào lớp chuyên Tin học của Trường Phổ thông Năng khiếu cũng như lựa chọn khoa kinh tế của Đại học Princeton. Ba mẹ luôn dành cho con sự quyết định trong việc lựa chọn ngành nghề học tập phù hợp với khả năng, nguyện vọng của tôi. Qua sáu năm học tập ở Hoa Kỳ, tôi thường xuyên gọi điện về thăm hỏi, trao đổi việc học tập với ba mẹ. Tình yêu thương và sự chăm lo chu đáo của ba mẹ là nguồn động viên to lớn giúp tôi vững bước trên con đường đến với học bổng tiến sĩ của Đại học Harvard.
Phóng viên: Châu Thanh Vũ có thể chia sẻ kinh nghiệm gì về việc học tập cũng như tìm kiếm cơ hội du học cho các em học sinh tỉnh nhà?
Châu Thanh Vũ: Học tập hết mình, đây là câu châm ngôn thường ngày của tôi. Khi trúng tuyển vào lớp 10 chuyên Tin học của Trường Trung học Năng khiếu, điểm số của tôi xếp hạng áp chót. Không tự ti rằng mình là học sinh đến từ tỉnh nhỏ, tôi nỗ lực và đã vươn lên dẫn đầu lớp vào cuối năm học. Đồng thời, tôi nghĩ rằng phải có tinh thần tự lập trong học tập cũng như trong cuộc sống để có thể vững bước bằng đôi chân của mình trên đường lập thân, lập nghiệp. Mỗi học sinh lớp 11 đều có cơ hội du học bằng nguồn học bổng của các trường học quốc tế; điều quan trọng là phải học hết sức mình, biết nắm bắt thông tin và mạnh dạn đăng ký xin du học. Có những tổ chức giáo dục ưu tiên dành học bổng cho học sinh học giỏi đến từ các tỉnh kinh tế còn khó khăn như Ninh Thuận.
Qua Báo Ninh Thuận, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn quý cô chú lãnh đạo tỉnh đã quan tâm động viên giúp đỡ cho tôi trong quá trình học tập. Tôi cũng xin bày tỏ tri ân quý thầy cô giáo, đặc biệt là cô Bảo Chi dạy môn Tin học và Chú Quang dạy môn Toán đã tận tâm truyền dạy cho tôi kiến thức tạo nền tảng vững chắc cho tôi đến với chương trình đào tạo tiến sĩ của Đại học Harvard.
Phóng viên: Cảm ơn Châu Thanh Vũ!
Sơn Ngọc
(Thực hiện)
Bảng thành tích của Châu Thanh Vũ:
- Học bổng Lawrence S.ting cho học sinh xuất sắc năm 2008, 2009.
- HCB Olympic Tin học 30/4/2008 cho khối lớp 10. HCV Olympic Tin học 30/4/2009 cho khối 11. Giải Nhì học sinh giỏi Tin học TP. HCM năm 2009. Giải Nhì học sinh giỏi Tin học Quốc gia 2009.
- Học bổng toàn phần để theo học trường liên kết thế giới (United World College) tại New Mexico, Mỹ trong 2 năm từ 2009 – 2011.
- Học bổng toàn phần để theo học 7 trường đại học ở Mỹ. - Học bổng toàn phần của Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và các Khu vực của Princeton để tham gia một khóa học về Kinh tế – Chính trị Nhật Bản tại Tokyo và Tohoku, năm 2012.
- Học bổng toàn phần để thực tập tại khoa Thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới (FAO), năm 2013.
- Học bổng toàn phần để tham gia nghiên cứu về những nguy cơ hệ thống toàn cầu. Nhóm nghiên cứu được thành lập bới các giáo sư ở Princeton.
- Tốt nghiệp hạng danh dự Đại học Princeton; giải thưởng John Glover Wilson, mỗi năm trao một lần cho bài luận văn tốt nghiệp xuất sắc nhất về kinh tế quốc tế của Khoa Kinh tế, Đại học Princeton.
- Tiếp tục được 8 trường cấp học bổng toàn phần nghiên cứu sinh tiến sĩ, bao gồm: ĐH Princeton, Stanford, Chicago, Yale, Columbia, Minnesota, Học viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Harvard. Châu Thanh Vũ đã chấp nhận làm nghiên cứu sinh tại ĐH Harvard (khoa kinh tế).