Chủ nhân của chiếc xe đạp lạ là thầy Trần Đình Thuy (42 tuổi, giáo viên dạy Sử, Trường THCS Trần Khánh Dư, xã Quang Vinh, TP Kon Tum). Điều đặc biệt ở chỗ tuy là một giáo viên dạy Lịch sử song thầy lại có niềm đam mê khoa học. Trong nhà, thầy Thuy dành 1 góc nhỏ cho niềm đam mê của mình.
Thầy giáo dạy Sử và bảng vàng thành tích làm khoa học
Đối với nhiều người dân 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum thì thầy Thuy không còn xa lạ khi sở hữu nhiều sáng kiến có ứng dụng thực tiễn cao. Trong đó phải kể đến 3 công trình nghiên cứu, rồi chính tay thầy chế tạo ra để đưa vào thực tiễn như: Khóa nước phao bi và bình năng lượng mặt trời cao hơn bồn; xe đạp cộng lực; 1 công trình khác cùng với học sinh của mình làm là thiết bị nhổ mỳ bằng tay; còn các công trình nhỏ khác thì khó có thể liệt kê hết.
Mới ra lò nhất, sau 1 năm thí nghiệm và chế tạo là chiếc xe đạp cộng lực. Chiếc xe của thầy đi đến đâu, người đi đường ai cũng phải trố mắt nhìn. Nhìn vì xe đạp gì lại có cánh quạt trước xe? Xe sao chỉ đạp chân mà lại chạy nhanh như xe máy? Còn nhiều câu hỏi được đặt ra đối với chiếc xe đạp lần đầu tiên xuất hiện trong các phương tiện giao thông.
Thầy Thuy chia sẻ, tôi có ý tưởng này khá lâu, nhưng chỉ với đồng lương thầy giáo cấp 2 nên chưa triển khai sớm được. Cách đây hơn 1 năm, có người bạn cho mượn 1 ít tiền thế là tôi bắt tay làm. Ngoài cái khó của đồng tiền, vật liệu để chế tạo ra các thiết bị trên xe còn khó khăn gấp bội.
Riêng mấy cánh quạt và cái bầu đón gió, tôi đã phải lục tung các khu chợ mà không có. Cuối cùng tôi tìm mua mấy lá tôm về tự tay gò ra, tốn hơi nhiều công chút nhưng lại hiệu quả. Chi phí bỏ ra chưa tính tiền công, 1 năm qua mất hơn chục triệu.
Ưu điểm xe đạp của thầy Thuy là có tua bin phía trước sẽ đón gió làm cho nó quay, qua bộ xích răng chuyển hướng sẽ làm cho lực được truyền xuống bánh, khi đó xe đi nhẹ hơn. Khi chạy xe không bị cản gió bởi người ngồi trên, mà còn biến gió đó thành lực giúp xe chạy nhanh hơn. Nếu đi với vận tốc 30km/h thì xe sẽ cộng thêm được 1 lực khoảng gần 25%.
“Lúc đầu trình bày ý tưởng, nhiều người bảo tôi điên. Lắp tua bin gió trước xe thì bị cản ngược lại, xe đạp thêm nặng. Lắp xong chạy thử, người bình thường có thể đạp được vận tốc 40km/h thì họ mới tin. Với xe này, giờ tôi có thể đạp xe hàng chục cây số mà không thấy mệt” - thầy Thuy nói.
Còn nói về thiết bị nhổ sắn, thầy Thuy cho biết thêm, đây là công trình lớn của 2 thầy trò. Thiết bị đó, thầy và học sinh lớp 9 Y Da Di mày mò gần 2 năm mới ra. Tiện ích lớn nhất của máy là giúp giải phóng sức lao động trong mỗi mùa thu hoạch sắn trên rẫy. Máy nhổ nhẹ nhàng và nhanh hơn. Thiết bị đó đơn giản, làm ra cũng không tốn bao nhiêu nên tôi chỉ làm mẫu để cho bà con học hỏi làm theo.
Còn về khóa nước phao bi và máy năng lượng mặt trời cao hơn bồn nước thì hiện nay đã được ứng dụng khá nhiều ở Kon Tum. Nhờ có máy của thầy, bồn nước dùng năng lượng mặt trời không phải treo lên cao, không cần làm giá đỡ bồn tiết giảm chi phí. Nước trong bình có thể để qua đêm đến sáng vẫn còn nóng, vào mùa đông, bình vẫn thu được nhiệt để làm nóng nước bên trong.
Còn sức, còn chế tạo!
Là một thầy giáo dạy Sử nhưng lại có niềm đam mê khoa học. Trong nhà, thầy Thuy dành 1 góc nhỏ cho niềm đam mê đó. Căn phòng không có vật dụng gì như các phòng nghiên cứu, chủ yếu mấy máy hàn xì, mấy vật liệu rẻ tiền khác. Ngoài thời gian lên lớp và soạn giáo án, thầy lại vào góc nhỏ để thỏa chí nghiên cứu, chế tạo.
Theo tâm sự của thầy Thuy, từ nhỏ, cậu bé Thuy đã có niềm đam mê nghiên cứu, sáng chế. Nhiều ý tưởng của Thuy bấy giờ, khiến nhiều thầy cô phải rất bất ngờ. Để có nhiều thời gian dành cho khoa học, thầy Thuy đã có quyết định bước ngoặt khi chuyển công việc từ Ban dân vận sang làm thầy giáo cấp 2. Theo thầy Thuy: “Ngoài thời gian đến lớp, mình có thể tranh thủ những lúc nhàn rỗi, đầu tư thời gian cho việc nghiên cứu, chế tạo”.
“Nhiều lúc đi mua thiết bị phải giấu vợ là đi xin về, chứ thực ra tôi mượn tiền mua. Kinh tế trong gia đình vợ lo cả, đồng lương giáo viên của 2 vợ chồng chẳng được bao nhiêu, nhiều người bảo tôi dở hơi. Nhiều lúc điều ra tiếng vào cũng làm vợ tôi buồn, nhưng khi thấy máy móc của tôi phục vụ cho cuộc sống nhiều người, tôi và vợ lại thấy vui”, thầy Thuy chia sẻ.
Được hỏi liệu anh có theo đuổi con đường nghiên cứu, chế tạo khi kính phí vay mượn ngày càng lớn? Anh Thuy vẫn cười vui vẻ khẳng định chắc nịch: “Có chứ. Giờ nó đã ăn vào máu rồi, bỏ cũng không được. Nhiều điều tôi còn ấp ủ mà chưa làm được, phải tận dụng lúc còn có sức để chế tạo ra nhiều thứ khác giúp người dân nghèo nơi đây”.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại