Vì sao đông như vậy?. Không đề cập đến nhu cầu “cầu may” của người mua, chỉ tính đến thu nhập từ nghề này cho thấy cũng khá “hấp dẫn”. Anh bạn học thuở nhỏ của tôi có thâm niên trên chục năm bán vé số mặc dù gia đình cũng không đến mức quá túng thiếu.
Trẻ em nhọc nhằn bán vé số trên đường phố.
Anh cho biết, với huê hồng khá cao như hiện nay (trên dưới 13% tùy theo vé số mỗi tỉnh) thì bình quân kiếm không dưới 300.000 đồng/ ngày, người bán ít hơn cũng không dưới 150.000 đến 200.000 đồng/ngày lại không cần vốn, phương tiện gì ngoài… đôi chân. Anh “tự trào”: - Coi như đi bộ thể dục cho khỏe vậy mà!.
Chuyện làm “ông” thần tài mang may mắn đến cho người “chơi” vé số sẽ chẳng có gì để nói nếu như trong “đội quân” hùng hậu kia không có bóng dáng những đứa trẻ vẫn còn quá nhỏ để kiếm tiền cho cha mẹ từ bán vé số. Tôi hỏi một số em, có đứa mới chuẩn bị học lớp 2 đầu trần, chân đất lê la từ quán này đến quán khác, thậm chí chưa có khái niệm đầy đủ về giá trị thật của đồng tiền!. Có trẻ mới học đến lớp 4 nhưng có “thâm niên” 4 năm đi bán!. Hỏi thăm gia cảnh, có cháu nói bán kiếm tiền mua sách vở, quần áo cho năm học mới nhưng có cháu nói để phụ cho cha mẹ... Chung quy đều có lý do... “đúng” cả, nhưng có một số người quen làm nghề này “nói nhỏ” rằng cha mẹ tụi nhỏ này ở nhà đánh bài chơi không, bắt con phải kiếm tiền nếu không đủ “sở hụi” giao hàng ngày thì ăn đòn như chơi!. Có những trường hợp con đi bán thì mẹ theo sau chẳng khác nào...chăn dắt như “giang hồ” bảo kê. Thật hết biết.
Không rõ những bậc làm cha mẹ kia có nghĩ đến hành vi bắt con trẻ sớm vào đời kiếm tiền sẽ dẫn đến hậu quả tới đâu và cơ quan chức năng liệu sẽ nghĩ gì trước tình trạng này để bảo vệ quyền trẻ em theo luật!. Riêng tôi lại rất thấm thía với lời của người bạn cho rằng, những người làm cha, làm mẹ mà vô trách nhiệm, thiếu lương tâm với con cái thì cũng cần bị pháp luật xử lý!.
Hạ Huyền