1.Vòng đàm phán cấp bộ trưởng về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được khởi động hôm 29-7 tại Hawaii (Mỹ) để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận thị trường và quyền sở hữu trí tuệ, qua đó mở đường cho các bên tiến đến một thỏa thuận.
Vòng đàm phán này dự kiến được kéo dài trong 4 ngày và được coi là cơ hội cuối cùng, được kỳ vọng “sẽ làm nên chuyện” để 12 nước đạt được thỏa thuận trong năm nay, trước khi nước Mỹ chính thức bước vào “mùa bầu cử” trong năm 2016.
Nội dung chính tập trung vào những vấn đề khó khăn tồn tại giữa các nước như quy định về quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động của các doanh nghiệp, các điều khoản về thị trường lao động và bảo vệ môi trường, giải quyết các tranh chấp.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm: Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile, Peru và Mỹ. Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% tổng sản lượng kinh tế thế giới.
2.Làn sóng người di cư đổ vào châu Âu nhằm chạy trốn xung đột và đói nghèo từ các khu vực bất ổn ở Trung Đông, châu Phi và Nam Á tiếp tục gia tăng. Theo Cao ủy LHQ về người tỵ nạn (UNHCR), Hy Lạp đang thay thế Italia, trở thành cửa ngõ vào châu Âu mà người di cư lựa chọn nhất. Trong nửa đầu năm 2015, gần 100 ngàn người di cư đã tràn vào Hy Lạp, tăng 408% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh các nước thành viên trong Liên hiệp Châu Âu (EU) hiện vẫn chưa nhất trí về kế hoạch phân bổ lại 40.000 người nhập cư vào Italia và Hy Lạp đến những quốc gia khác trong hai năm tới, hệ thống trung tâm tỵ nạn ở Hy Lạp đang lâm vào tình trạng “dở khóc, dở cười” do bị quá tải.
Trong khi đó, những tuần gần đây, lực lượng người di cư tìm cách trốn sang Anh qua đường hầm của Hãng Eurotunnel tăng đáng kể. Riêng đêm 27-7, khoảng 2.000 người thông qua đường hầm qua eo biển Manche, nối liền 2 nước Anh và Pháp. Đây là con số kỷ lục mới về lượng người tìm cách di cư bất hợp pháp từ Pháp vào Anh trong một tháng rưỡi qua.
Trước làn sóng người di cư bất hợp pháp tìm cách vào Anh tăng cao, giới chức Anh cho biết sẽ chi thêm 7 triệu bảng Anh (9,8 triệu Eur) để trợ giúp giữ gìn an ninh khu vực chung quanh đường hầm của Eurotunnel trên đất Pháp.
3.Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cảnh báo rằng sự gia tăng số lượng các phần tử khủng bố nước ngoài là một biểu hiện lan rộng của chủ nghĩa cực đoan bạo lực, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần khẩn trương lưu ý.
Trong một thông điệp video mà Tổng Thư ký Ban Ki-moon gửi tới phiên họp đặc biệt về các chiến binh khủng bố nước ngoài của Ủy ban Chống khủng bố thuộc Hội đồng Bảo an LHQ, ông nhấn mạnh, mặc dù các biện pháp an ninh và hành động quân sự đôi khi có thể là cần thiết, nhưng “phản ứng của chúng ta cần luôn luôn dựa trên quyền con người và quy định của pháp luật”. Ông cho rằng, các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố mà vi phạm các quyền cơ bản sẽ đi ngược lại những giá trị mà nhân loại tìm cách bảo vệ và thậm chí kích động hơn nữa chủ nghĩa cực đoan.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ hồi tháng 5, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết, kể từ giữa năm 2014, số lượng các phần tử khủng bố người nước ngoài gia nhập hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chiếm tới 70% nhóm cực đoan này.
PV