Phát biểu tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Đặc phái viên de Mistura cho biết sau hơn hai tháng tổ chức các cuộc đối thoại với hơn 200 nhân vật có tầm ảnh hưởng ở cả Syria và các nước khác, hầu hết các cuộc gặp đều nêu bật được sự cần thiết phải ngăn chặn đà tiến của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và nhóm “Mặt trận Al-Nusra" cũng như loại bỏ sự chia rẽ và khuynh hướng bè phái. Các cuộc đối thoại cũng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với “một tiến trình chuyển tiếp có thể kiểm soát và được tiến hành theo từng giai đoạn”, tránh dẫm lại vết xe đổ của Libya và Iraq. Do đó, Đặc phái viên de Mistura đề xuất người dân Syria tham gia vào các nhóm làm việc nhằm tổ chức các cuộc thảo luận song song về các vấn đề gai góc được nêu trong lộ trình Geneva 2012. Theo đó, các nhóm này sẽ tập trung giải quyết những vấn đề lớn như việc bảo vệ và đảm bảo an toàn cho người dân, tiếp cận chăm sóc y tế, các vấn đề chính trị và hiến pháp, cuộc chiến chống khủng bố cũng như công tác tái thiết và phát triển đất nước. Tổng Thư ký (TTK) LHQ Ban Ki-moon (Ban Ki Mun) đã hoan nghênh đề xuất trên của Đặc phái viên de Mistura, đồng thời bày tỏ hy vọng những nhóm làm việc trên sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận vào tháng 9 tới. Ông hối thúc HĐBA ủng hộ đề xuất trên cũng như thuyết phục các bên tại Syria tham dự các cuộc gặp trên. TTK LHQ cũng kêu gọi HĐBA, các nước láng giềng của Syria cũng như các bên liên quan cần ngăn chặn “dòng chảy vũ khí và các chiến binh nước ngoài” đổ vào quốc gia Trung Đông này cũng như “chấm dứt việc biến Syria thành một bãi chiến trường”. Người đứng đầu LHQ cũng nhấn mạnh HĐBA cần tận dụng bước tiến có được từ thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc và Iran để tạo đà cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria và Tehran có thể đóng một vai trò “mang tính xây dựng” trong vấn đề này. Trong khi đó, Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Jaafari (Ba-sa Gia-pha-ri) cho biết Chính quyền Syria sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất của ông de Mistura và sẽ sớm đưa ra ý kiến. Ông cũng nhấn mạnh cuộc chiến chống khủng bố đang là mối ưu tiên hàng đầu đối với Chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad (Ba-sa Át-xát) nhằm khôi phục sự ổn định tại quốc gia Trung Đông này.
Các cuộc xuống đường biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu ngày 15/3/2011, tương tự như những sự kiện diễn ra trong cái gọi là làn sóng "Mùa xuân Arab" ở Ai Cập và Tunisia. Kể từ đó, tình trạng bất ổn và bạo loạn đã đẩy đất nước này vào cuộc chiến triền miên giữa chính phủ và các lực lượng chống đối. Hai vòng đàm phán hòa bình Geneva I (tổ chức tháng 6/2012) và Geneva II (cuối tháng 1/2014) nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, đã diễn ra mà không thu được kết quả đáng kể nào. Đến tháng 12/2014, chính quyền Syria và nhiều nhóm đối lập chủ chốt đã đồng ý tiếp tục tham gia đàm phán hòa bình dưới vai trò trung gian của Nga. Cuộc đàm phán giữa các bên ở Syria tại thủ đô Moskva (Nga) hồi tháng 1/2015 diễn ra trong không khí tích cực, tuy nhiên cũng không đạt được kết quả như mong muốn. Theo số liệu thống kê của LHQ, kể từ khi bùng phát năm 2011, xung đột giữa quân Chính phủ Syria và các nhóm đối lập tại nước này đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Theo TTXVN