Cụ thể, 9 dự án luật, pháp lệnh bao gồm: Dự án Luật về Hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Ban hành quyết định hành chính; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; Luật Quy hoạch; Luật Đấu giá tài sản và Dự án Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.
Dự án Luật về Hội gồm 8 chương và 37 điều, quy định chi tiết về hội; quyền lập hội; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội; điều kiện thành lập hội; đăng ký thành lập hội; nội dung chủ yếu của điều lệ hội; quyền của hội viên; nghĩa vụ của hội viên; đơn vị, tổ chức thuộc hội; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, tạm đình chỉ, giải thể hội; quản lý Nhà nước về hội...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo các dự án luật và pháp lệnh tiếp thu
các ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ để bổ sung, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thảo luận về Dự án Luật về Hội, các thành viên Chính phủ đã tập trung làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến quan điểm xây dựng luật; cơ chế, chính sách đối với hội; trình tự, thủ tục thành lập hội; công tác quản lý Nhà nước đối với hội;…
Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, bám sát tinh thần của Hiến pháp năm 2013; quán triệt sâu sắc và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo.
Với 11 chương, 69 điều, kế thừa nội dung của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tập trung điều chỉnh 3 vấn đề lớn là quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Về dự án Luật này, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến mang tính định hướng để dự án luật tiếp tục được triển khai xây dựng và hoàn thiện.
Với 7 chương, 33 điều, Dự án Luật Tiếp cận thông tin nêu những quy định cụ thể về công khai thông tin; cung cấp thông tin theo yêu cầu; cung cấp thông tin hạn chế tiếp cận; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo và xử lý vi phạm;…
Thảo luận về Dự án Luật Tiếp cận thông tin, các thành viên Chính phủ đã tập trung vào một số phương án liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật; phạm vi thông tin cơ quan có trách nhiệm cung cấp theo yêu cầu; về các chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin;…
Bố cục của Dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) gồm 5 chương, 22 điều, quy định về căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế và biểu thuế; thuế phòng vệ thương mại; miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế;…
So với luật hiện hành, Dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) giảm 2 chương và 7 điều. Đối với dự án luật này, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn một số nội dung có sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thẩm quyền ban hành biểu thuế, khung thuế suất, những quy định về ưu đãi thuế, đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho người nộp thuế,…
Thảo luận Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính (gồm 7 chương, 50 điều), các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, việc xây dựng dự án luật nói trên là xây dựng khuôn khổ pháp lý chung cho việc ban hành quyết định hành chính thông qua việc quy định các nguyên tắc, trình tự, thủ tục cơ bản của việc ban hành quyết định hành chính, nhằm đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của quyết định hành chính, tính minh bạch, công khai, khách quan của quá trình ban hành quyết định hành chính và tính chuyên nghiệp của nền hành chính hiện đại.
Các thành viên Chính phủ cũng tập trung làm rõ nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau về Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính liên quan đến phạm vi điều chỉnh; hiệu lực của quyết định hành chính và thi hành quyết định hành chính; đình chỉ, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi quyết định hành chính; ủy quyền ban hành quyết định hành chính.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng dự án Luật Quy hoạch
cần phải có báo cáo công phu, đánh giá từng lĩnh vực, nhóm quy hoạch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), các thành viên Chính phủ cho rằng, dự án luật phải đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đối ngoại, đặc biệt là chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Nội dung của luật phải dễ hiểu, khả thi, phù hợp với luật pháp quốc tế và các luật liên quan; kế thừa, hoàn thiện và phát triển những quy định của Luật Điều ước quốc tế hiện hành; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; có tham khảo pháp luật các nước.
Dự án Luật Quy hoạch gồm 6 chương, 68 điều với mục tiêu điều chỉnh thống nhất các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước; đổi mới nội dung và phương pháp lập quy hoạch để quy hoạch là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững, gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh; thống nhất công tác quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch để giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của Nhà nước được thống nhất từ Trung ương tới địa phương;…
Những vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết; việc tạo sự thống nhất giữa các quy hoạch; việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; các cấp quy hoạch; tổ chức và thực hiện quy hoạch;… là những nội chính được các thành viên Chính phủ tập trung đóng góp ý kiến khi thảo luận về dự án luật này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đề nghị cần có quy định chặt chẽ về sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện công tác quy hoạch; có chế tài xử lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, tránh trình trạng sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện công tác quy hoạch chỉ dừng lại ở việc gửi văn bản xin ý kiến, sự phối hợp mang tính nặng về hình thức.
Bên cạnh khẳnh định sự cần thiết xây dựng dự án luật, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và hầu hết ý kiến của các thành viên Chính phủ cho rằng Luật Quy hoạch là một luật khó, phức tạp, cần xem xét thấu đáo, toàn diện trên nhiều khía cạnh… Vì vậy, trước mắt không nên vội vàng, cần có thời gian, có sự cân nhắc kỹ lưỡng và nên lùi dự án luật này để tiếp tục xây dựng, đảm bảo khi được trình Quốc hội dự án luật phải “đủ độ chín” để nhận được sự đồng thuận cao.
“Phải xem xét và xây dựng thấu đáo, bảo đảm tính khả thi, bảo đảm quy hoạch phải khớp lại được với nhau, chứ không phải là phép cộng tổng thể. Nếu dự án luật chưa được chuẩn bị tốt thì nhất định không trình ra Quốc hội”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu.
Khẳng định vai trò quan trọng của quy hoạch cũng như những thành công, những tiến bộ, những kết quả đạt được trong công tác quy hoạch thời gian qua, song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh bước vào giai đoạn phát triển mới, thực tiễn đã chứng minh công tác quy hoạch có những mặt không còn phù hợp. Yêu cầu mới đặt ra là cần thiết phải xây dựng Dự án Luật Quy hoạch và dự án luật này đã được chỉ đạo triển khai xây dựng nghiêm túc, công phu nhằm phát huy những những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong công tác quy hoạch; bảo đảm công tác quy hoạch được thực hiện hiệu lực, hiệu quả hơn.
“Hôm nay, Dự án Luật Quy hoạch tiếp tục được thảo luận. Qua thảo luận cũng nổi lên một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện thêm. Nếu chuẩn bị tốt, phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 sẽ đưa dự án luật này vào chương trình để tiếp tục thảo luận. Nếu thấy chưa ổn thì chúng ta tiếp tục xây dựng. Chúng ta hết sức cố gắng, hết sức nỗ lực làm theo Chương trình, nhưng tính khả thi, tính đồng thuận chưa cao thì ta cũng dũng cảm xin lùi; nhận khuyết điểm xin lùi để chuẩn bị thêm còn hay hơn là đưa ra nhưng không khả thi, còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau, khó thực hiện”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh trong quá trình xây dựng Dự án Luật Quy hoạch cần phải có báo cáo công phu, đánh giá từng lĩnh vực, nhóm quy hoạch, những gì đã làm được, những gì còn hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế,… để đề ra những giải pháp khắc phục.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đồng thời, trong quá trình xây dựng dự án luật cũng hết sức quan tâm đến việc đánh giá, xác định rõ các nhóm quy hoạch, định nghĩa về quy hoạch, tránh sự nhầm lẫn giữa quy hoạch và kế hoạch; đồng thời xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh của quy hoạch; tính pháp lý, vai trò của các cấp quy hoạch; trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch;…
Khẳng định sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Đấu giá tài sản (gồm 7 chương, 77 điều), các thành viên Chính phủ cho rằng dự án luật được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động đấu giá tài sản; nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên cũng như chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; thúc đẩy dịch vụ đấu giá tài sản phát triển trong hệ thống các ngành, lĩnh vực dịch vụ theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến đối với dự án luật liên quan đến doanh nghiệp đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; chi phí đấu giá tài sản; việc xử lý vi phạm, công tác quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản.
Việc tuyển chọn, tuyển dụng; hạn tuổi phục vụ; chế độ, chính sách; chế độ đào tạo, bồi dưỡng… đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng là những nội dung lớn được các thành viên Chính phủ tập trung đóng góp ý kiến khi thảo luận Dự án Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng (gồm 7 chương, 50 điều).
Đánh giá cao các ý kiến thảo luận, đóng góp hết sức trách nhiệm, xây dựng của các thành viên Chính phủ đối với công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo các dự án luật và pháp lệnh nêu trên tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ để bổ sung, hoàn thiện các dự án luật và pháp lệnh này.
Cũng tại phiên họp, Bộ KH&ĐT đã trình bày báo cáo về công tác tổ chức, triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư với các nội dung cụ thể liên quan đến công tác triển khai hướng dẫn thi hành luật; việc triển khai rà soát, tập hợp và công bố điều kiện đầu tư kinh doanh; công tác hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư; những vướng mắc trong quá trình triển khai 2 luật này;…
Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Bộ KH&ĐT đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về việc triển khai thi hành hai luật này với những nội dung chủ yếu như sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; đảm bảo thực thi đầy đủ, nhất quán các quy định của Luật Đầu tư về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư;…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ đồng tình với các nội dung được nêu trong Báo cáo về công tác tổ chức, triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trong đó có các kiến nghị của Bộ KH&ĐT đối với Chính phủ; đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả 2 luật này trên thực tế.
Nguồn www.chinhphu.vn