Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật

Trong 2 ngày 27 và 28/7/2015, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong 6 tháng đầu năm 2015, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015; Báo cáo về công tác tổ chức, triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014. Đồng thời, Chính phủ cũng nghe vào thảo luận đối với 9 dự án luật và pháp lệnh.

 
Phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật.

Báo cáo về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Chính phủ đã ban hành 6 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Quyết định phân công và 2 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải trình Chính phủ 21 dự án luật, pháp lệnh. Kết quả có 5 dự án đã được Chính phủ cho ý kiến, thông qua; 11 dự án được Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề tháng 7; 1 dự án trình Chính phủ cho ý kiến về định hướng lớn; 1 dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên đã được gửi Phiếu xin ý kiến thành viên Chính phủ trong tháng 7. Còn lại có 03 dự án xin lùi thời hạn trình gồm: Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Biểu tình, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Về văn bản quy định chi tiết, trong 6 tháng đầu năm 2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng đã tích cực triển khai nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền. Theo yêu cầu, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải trình 178 văn bản, gồm 155 văn bản nợ đọng quy định chi tiết 34 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và 23 văn bản quy định chi tiết 04 luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên đối với 155 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực đến nay mới ban hành được 53/155 văn bản, đạt 34.19%. Đối với 23 văn bản quy định chi tiết 04 luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016, hiện các Bộ, cơ quan ngang Bộ đang tích cực nghiên cứu soạn thảo để trình cấp có thẩm quyền ban hành, bảm đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra nhiều hạn chế liên quan đến công tác xây dựng pháp luật trong đó có việc phải điều chỉnh Chương trình; xin lùi một số dự án luật; trong số 155 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực đến nay mới chỉ ban hành được 53 văn bản, số lượng văn bản quy định chi tiết nợ đọng còn rất lớn;…Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2015 trong đó có trình Chính phủ xem xét, thông qua 3 dự án luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là dự án Luật về hội; dự án Luật Báo chí (sửa đổi), dự án Pháp lệnh quản lý thị trường. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 tới đây; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết;…

Song song việc bảo đảm tiến độ xây dựng dựng các luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành cần đặc biệt chú ý tới công tác phối hợp, tới chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết. Yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt khâu thẩm định, thẩm tra để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của các dự án luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận về 9 dự án luật và pháp lệnh, gồm: (i) dự án Luật về hội; (ii) dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; (iii) dự án Luật Tiếp cận thông tin; (iv) dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế Nhập khẩu (sửa đổi); (v) dự án Luật ban hành quyết định hành chính; (vi) dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); (vii) Dự án Luật Quy hoạch; (viii) dự án Luật Đấu giá tài sản; (ix) dự án Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Dự án Luật về Hội gồm 8 chương và 37 điều, quy định chi tiết về hội; quyền lập hội; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội; điều kiện thành lập hội; đăng ký thành lập hội; nội dung chủ yếu của điều lệ hội; quyền của hội viên; nghĩa vụ của hội viên; đơn vị, tổ chức thuộc hội; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, tạm đình chỉ, giải thể hội; quản lý nhà nước về hội;…Thảo luận về dự án Luật về hội, các thành viên đã tập trung làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến quan điểm xây dựng luật; cơ chế, chính sách đối với hội; trình tự, thủ tục thành lập hội; công tác quản lý nhà nước đối với hội;…

Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, bám sát tinh thần của Hiến pháp năm 2013; quán triệt sâu sắc và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo.Với 11 chương, 69 điều, kế thừa nội dung của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo tập trung điều chỉnh 3 vấn đề lớn là quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với dự án Luật này, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến mang tính định hướng để dự án Luật tiếp tục được triển khai xây dựng và hoàn thiện.

Dự án Luật Tiếp cận thông tin gồm 7 chương, 33 điều quy định cụ thể về công khai thông tin; cung cấp thông tin theo yêu cầu; cung cấp thông tin hạn chế tiếp cận; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo và xử lý vi phạm;… Thảo luận về dự án Luật Tiếp cận thông tin, các thành viên Chính phủ đã tập trung vào một số phương án liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật; phạm vi thông tin cơ quan có trách nhiệm cung cấp theo yêu cầu; về các chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin;…

Dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) gồm 5 chương, 22 điều, quy định về căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế và biểu thuế; thuế phòng vệ thương mại; miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế;.. So với Luật hiện hành, dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) giảm 2 chương và 7 điều. Đối với dự án luật này, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn một số nội dung có sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thẩm quyền ban hành biểu thuế, khung thuế suất, những quy định về ưu đãi thuế, đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho người nộp thuế,…

Thảo luận Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính (gồm 7 chương, 50 điều), các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, việc xây dựng dự án luật này là xây dựng khuôn khổ pháp lý chung cho việc ban hành quyết định hành chính thông qua việc quy định các nguyên tắc, trình tự, thủ tục cơ bản của việc ban hành quyết định hành chính nhằm bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của quyết định hành chính, tính minh bạch, công khai, khách quan của quá trình ban hành quyết định hành chính và tính chuyên nghiệp của nền hành chính hiện đại. Các thành viên Chính phủ cũng đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Ban hành quyết định hành chính liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; hiệu lực của quyết định hành chính và thi hành quyết định hành chính; đình chỉ, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi quyết định hành chính; ủy quyền ban hành quyết định hành chính;…

Đối với Dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), các thành viên Chính phủ cho rằng, dự án luật phải đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đối ngoại, đặc biệt là chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đồng thời nội dung của luật phải đơn giản, dễ hiểu, khả thi, phù hợp với luật pháp quốc tế và các luật liên quan; kế thừa, hoàn thiện và phát triển những quy định của Luật Điều ước quốc tế hiện hành; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; có tham khảo pháp luật các nước;…

Dự án Luật Quy hoạch được xây dựng gồm 6 chương, 68 điều với mục tiêu điều chỉnh thống nhất các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước; đổi mới nội dung và phương pháp lập quy hoạch để quy hoạch là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh; thống nhất công tác quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch để giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của nhà nước được thống nhất từ Trung ương tới địa phương;… Những vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết; việc tạo sự thống nhất giữa các quy hoạch; việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; các cấp quy hoạch; tổ chức và thực hiện quy hoạch;… là những nội chính được các thành viên Chính phủ tập trung đóng góp ý kiến khi thảo luận về dự án luật này. Các thành viên Chính phủ đề nghị cần có quy định chặt chẽ về sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện công tác quy hoạch; có chế tài xử lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, tránh tình trạng sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện công tác quy hoạch chỉ dừng lại ở việc gửi văn bản xin ý kiến, sự phối hợp mang tính nặng về hình thức.

Khẳng định vai trò quan trọng của quy hoạch cũng như những thành công, những tiến bộ, những kết quả đạt được trong công tác quy hoạch thời gian qua, song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, bước vào giai đoạn phát triển mới, thực tiễn đã chứng minh công tác quy hoạch có những mặt không còn phù hợp và yêu cầu mới đặt ra là cần thiết phải xây dựng dự án Luật Quy hoạch và dự án Luật này đã được chỉ đạo triển khai xây dựng nghiêm túc, công phu nhằm phát huy những những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong công tác quy hoạch; bảo đảm công tác quy hoạch được thực hiện hiệu lực, hiệu quả hơn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh trong quá trình xây dựng Dự án Luật Quy hoạch cần phải có báo cáo công phu, đánh giá từng lĩnh vực, nhóm quy hoạch, những gì đã làm được, những gì còn hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế,… để đề ra những giải pháp khắc phục. Đồng thời, trong quá trình xây dựng dự án Luật cũng hết sức quan tâm đến việc đánh giá, xác định rõ các nhóm quy hoạch, định nghĩa về quy hoạch, tránh sự nhầm lẫn giữa quy hoạch và kế hoạch; đồng thời xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh của quy hoạch; tính pháp lý, vai trò của các cấp quy hoạch; trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch;…

Về Dự án Luật Đấu giá tài sản (gồm 7 chương, 77 điều), các thành viên Chính phủ cho rằng dự án luật được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động đấu giá tài sản; nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên cũng như chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; thúc đẩy dịch vụ đấu giá tài sản phát triển trong hệ thống các ngành, lĩnh vực dịch vụ theo cơ chế thị trường,… Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến đối với dự án luật liên quan đến doanh nghiệp đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; chi phí đấu giá tài sản; việc xử lý vi phạm, công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản;…

Về Dự án Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng (gồm 7 chương, 50 điều), các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận việc tuyển chọn, tuyển dụng; hạn tuổi phục vụ; chế độ, chính sách; chế độ đào tạo, bồi dưỡng;… đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Đánh giá cao các ý kiến thảo luận, đóng góp hết sức trách nhiệm, xây dựng của các thành viên Chính phủ đối với công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo các dự án luật và pháp lệnh nêu trên tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ để bổ sung, hoàn thiện các dự án luật và pháp lệnh này.

Tại phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày báo cáo về công tác tổ chức, triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư với các nội dung cụ thể liên quan đến công tác triển khai hướng dẫn thi hành Luật; việc triển khai rà soát, tập hợp và công bố điều kiện đầu tư kinh doanh; công tác hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư; những vướng mắc trong quá trình triển khai 2 luật này;… Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về việc triển khai thi hành hai Luật này với những nội dung chủ yếu như sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; bảo đảm thực thi đầy đủ, nhất quán các quy định của Luật Đầu tư về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư;…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với các nội dung được nêu trong Báo cáo về công tác tổ chức, triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trong đó có các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Chính phủ; đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hai luật này trên thực tế.

Nguồn Văn phòng Chính phủ