Quy định này tạo điều kiện cho các Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các tổ chức, cá nhân được lập, thẩm định và phê duyệt theo một trình tự, thủ tục nhất định; tránh sự tùy tiện, chủ quan, quan liêu, phiền hà; đảm bảo các Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các tổ chức, cá nhân đúng quy trình, quy định, đạt chất lượng và phù hợp với điều kiện của các địa phương, cũng như quy định của pháp luật;
Quy định này có 05 Chương, 20 Điều. Trong đó; quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; trình tự hồ sơ, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; nội dung cơ bản của Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; cơ quan thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; hoạt động của Hội đồng thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; trách nhiệm các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp đối với sự cố tràn dầu; các điều khoản thi hành và các mẫu phụ lục hướng dẫn nội dung, bố cục các bản kế hoạch.
Theo đó, các Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu sẽ được Hội đồng thẩm định, trình Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt theo thẩm quyền. Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở trên địa bàn tỉnh có hoạt động về khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng xăng, dầu và các sản phẩm dầu gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu trên đất liền và vùng biển tỉnh Ninh Thuận. Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền (dưới 20 tấn) đóng trên địa bàn cấp huyện.
Việc không thực hiện xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 35, Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đỗ Phước Vinh