Lạm phát 7 tháng tăng thấp nhất trong 10 năm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2015 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,68% so với tháng 12/2014. Đây là mức tăng thấp nhất trong thống kê CPI 10 năm gần đây.

Cũng theo số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố ngày 24/7, CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,86%.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) đánh giá, mức tăng CPI duy trì ở mức tương đối thấp như vừa qua là tốt cho nền kinh tế, đặc biệt dưới góc độ ổn định kinh tế vĩ mô.

Không tính vào chỉ số CPI, chỉ số giá vàng giảm 1,24% và Chỉ số giá USD tăng 0,09%. TCTK đánh giá nhìn chung tỷ giá USD khá ổn định do nguồn dự trữ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có duy nhất chỉ số giá nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,02%. Còn lại 10/11 nhóm hàng có CPI tăng. Cụ thể, nhóm có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng khá nhẹ ở mức 0,1%. Do nguồn cung lương thực, trong đó có gạo khá dồi dào, giá giảm. Trong khi đó, các mặt hàng thực phẩm và dịch vụ ăn uống ngoài ra đình chỉ tăng nhẹ. Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,18% do như cầu tiêu thụ mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,22% do: giá vật liệu xây dựng tăng 0,27%, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,2% do nhu cầu xây dựng tăng và khai thác cát gặp khó khăn vào mùa khan hiếm nước. Giá điện sinh hoạt tăng 1,32%; giá nước sinh hoạt tăng 1,3% do nhu cầu sử dụng tăng vào những ngày nắng nóng trong tháng. Nhưng cũng có một số mặt hàng giảm giá như giá gas, dầu hỏa.

Nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14% do trời nóng vào mùa hè, nên giá của các thiết bị điện vẫn tiếp tục tăng như máy điều hòa không khí, tủ lạnh, quạt điện tăng từ 0,2% - 0,9%, giá dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình tăng 0,4%...

Nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,15% chủ yếu do vài mặt hàng thuốc tăng và TPHCM tăng giá một vài loại dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú như siêu âm, chạy điện tâm đồ, công khám mắt, công châm cứu.

Nhóm hàng giao thông tăng 0,16% do biến động giá xăng dầu và dịch vụ giao thông. Cụ thể, giá xăng dầu tuy được điều chỉnh giảm vào ngày 4/7/2015, nhưng giá bình quân tháng 7 vẫn còn ảnh hưởng bởi các lần điều chỉnh tăng trước đó. Ngoài ra, chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,02%, do nhu cầu đi lại tăng cao vào mùa thi, trong đó có kỳ thi quốc gia. Nhóm văn hoá, giải trí du lịch tăng 0,16% do nhu cầu sử dụng dịch vụ lưu trú tăng.

Trước đó, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng khẳng định, CPI tăng thấp không phải do cầu yếu. Một lý do là người dân có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm, thực chất và tập trung vào các nhu cầu thiết yếu hằng ngày hơn trước. Tuy nhiên, không nên chủ quan mà vẫn cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường.

Đáng chú ý, trong tháng 7, Tổng cục Thống kê cũng đã công bố lạm phát cơ bản cho biết xu hướng giá cả trong dài hạn, đã loại bỏ những thay đổi về giá có tính nhất thời, mùa vụ, không bao gồm các hàng hóa có giá biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng như đối với trường hợp tính lạm phát.

Theo đó mức tăng CPI sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/ 2015 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,04% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng khá tương đồng với lạm phát chung.

Trong một dự báo mới đây, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định lạm phát cơ bản năm 2015 là 3,5%. Khi lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp, NHNN có cơ hội tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng, mở rộng sản xuất, giảm giá thành, kích thích nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể sẽ chịu áp lực từ gia tăng phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), nhất là khi trong năm 2015 việc phát hành TPCP sẽ chỉ thực hiện đối với kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Nguồn www.chinhphu.vn