Có thể kể tên: Đầu tiên là bãi biển Bình Sơn-Ninh Chử tuy nay đã “lấp đầy” các khu du lịch nhưng biển khu vực này vẫn còn được xem là “sạch” so với nhiều nơi khác và còn nhiều tiềm năng “khai thác” bởi hiện tại mới dừng lại ở mức độ nghỉ dưỡng là chính. Khu du lịch Vĩnh Hy cũng chỉ mới được biết đến không lâu, đặc biệt khi tuyến đường ven biển hoàn thành thì Vĩnh Hy mới thực sự “tỏa sáng” bởi không những phong cảnh đẹp với làng biển còn nguyên nét cổ xưa, chưa “bị” đô thị hóa nhiều và một số điểm đến khá lý thú không chỉ có biển mà còn có thể du lịch mạo hiểm, khám phá như lên thôn Cầu Gãy-Đá Hang, hay leo dốc lên suối Lồ Ồ để tắm mát với hồ nước ngọt được thiên nhiên ban tặng, “thưởng ngoạn” đời sống thôn dã bình yên nơi đây... thật khó có nơi nào có được. Ninh Thuận còn rất nhiều điểm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách như làng nghề, Tháp Chăm, một số chùa chiền, thiền viện có phong cảnh hữu tình, “trên sơn, dưới thủy”…
Điểm du lịch Bãi Kinh (Vĩnh Hải, Ninh Hải) thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: Văn Miên
Hầu hết du khách đã một lần đến Ninh Thuận đều khen ngợi không chỉ phong cảnh đẹp mà con người cũng rất mến khách, thân thiện... ngoại trừ một số việc dễ làm “nản” lòng du khách, nếu không muốn nói là “sợ”!. Vậy du khách “sợ” gì?. Đầu tiên là vệ sinh môi trường. Theo báo cáo của ngành chức năng hầu hết các điểm du lịch đều vướng chỗ này, nhất là rác thải bừa bãi của người bán hàng tại bãi biển và cả người đến vui chơi đem theo đồ ăn, uống nhưng khi về lại quên… không dọn. Trong khi đó, lực lượng làm vệ sinh không thể thu dọn sạch được bởi có nhiều lý do. Kế đến là ý thức của một số người dân trong việc “chiếm cứ” khu vực công cộng dành cho du khách như Công viên biển Bình Sơn-Ninh Chử để giữ xe, buôn bán. Thậm chí tỉnh đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng con đường đi bộ ven biển để vừa tạo “điểm nhấn” cho du lịch vừa để du khách dạo mát kết hợp thể dục... thì một số thanh, thiếu niên thay vì đi bộ lại chạy xe máy rú ga inh ỏi làm du khách phải “thất kinh” khi gặp phải. Tình hình an ninh trật tự cũng ngày càng phát sinh phức tạp tại các khu du lịch dẫn đến tâm lý bất an trong nhiều du khách. Và đã như vậy thì khó có thể thu hút đến lần sau, có khi còn tuyên truyền cho nhiều người chớ đến Ninh Thuận bởi các lý do trên!.
Có thể nói, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến phát triển du lịch để tạo điều kiện về việc làm, thu nhập cho một bộ phận dân cư đô thị cũng như các làng nghề… nhưng để chuyển từ mối quan tâm này đến các ngành, địa phương liên quan xem ra là chưa “thông suốt” nên để xảy ra những hình ảnh thiếu thuyết phục như đã nêu trên. Giải quyết thực trạng này theo chúng tôi không khó, cái khó nhất là cần phải “đả thông” được những “ách tắc” để có hành động đúng và trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương liên quan. Qua đó, tạo tin tưởng cho du khách về một Ninh Thuận yên bình, thân thiện, hiếu khách. Có người đã nói rất hay rằng: Tin tưởng đã là một nửa của thành công!. Khi nào làm được điều này thì thiết nghĩ du lịch tỉnh ta mới thực sự cất cánh.
Tuấn Dũng