Đồng chí Lê Văn Cương, Giám đốc NHNN, Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho biết: Để khơi thông nguồn vốn tín dụng, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là các NH thương mại đẩy mạnh hoạt động cho vay thông qua việc triển khai các giải pháp đầu tư tín dụng, quan tâm dành nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên, tích cực triển khai chương trình tín dụng ưu đãi... Qua đó, các NH đã tiếp nhận và giải quyết 30.280 hồ sơ vay của khách hàng, với doanh số cho vay 10.658 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là hộ sản xuất với 26.230 hồ sơ, chiếm 86,5%; khách hàng là doanh nghiệp (DN) 1.600 hồ sơ, chiếm 5,3% và khách hàng khác 2.450 hồ sơ, chiếm 8,1%, góp phần đưa tổng doanh số cho vay của tỉnh trong 6 tháng đạt 10.938 tỷ đồng, tăng 89 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 11.265 tỷ đồng, tăng 2.514 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 73,18% kế hoạch.
Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Ninh Thuận đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng. Ảnh: Văn Miên
Điểm đáng chú ý trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng từ đầu năm đến nay, đó là các NH và TCTD đã thực hiện linh hoạt, hiệu quả các giải pháp theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, nỗ lực triển khai các chương trình, chính sách theo ngành, lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tính đến cuối tháng 6, doanh số cho vay đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NQ-CP và Thông tư 14/2010/TT-NHNN đạt 1.350 tỷ đồng, tăng 102 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014, nâng tổng dư nợ đến nay đạt 2.820 tỷ đồng/93.600 khách hàng.
Không chỉ thực hiện tốt việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, các NH trên địa bàn tỉnh còn thực hiện nghiêm việc giảm lãi suất cho vay, nhất là trên các lĩnh vực ưu tiên. Hiện tại, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên ở mức 5,5% - 7%/năm; cho vay ngắn hạn ở lĩnh vực khác từ 7,2%-11%/năm và cho vay trung dài hạn ở mức 9,2%-13%/năm. Đặc biệt, dưới sự giám sát, chỉ đạo của Chi nhánh NHNN, 3 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh là: Phủ Hà, Phước Sơn và Nhơn Hải được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc tái cơ cấu, nhờ đó đến nay các QTDND này đều đã điều chỉnh được phương án hoạt động phù hợp, tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Ninh Thuận.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 880 DN đang vay vốn ngân hàng, với dư nợ 4.525 tỷ đồng, tăng 48 DN so với cuối năm. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, trong 6 tháng qua, các NH đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 169 hợp đồng tín dụng/68,3 tỷ đồng. Ngoài ra, các NH còn xem xét, giảm lãi vay cho 92 hợp đồng tín dụng, với số lãi được miễn giảm là 2,77 tỷ đồng; cho vay ngắn hạn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên 5.392 tỷ đồng, trong đó DN chiếm 73,3% và hộ vay chiếm 26,7%. Riêng các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm, như: Chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NQ-CP của Chính phủ, đến nay có 13 ngư dân được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt (đợt 1) đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ đóng tàu. Tuy nhiên, nguồn vốn này đến nay vẫn chưa giải ngân được do vướng mắc trong việc thống nhất mẫu tàu, chọn đơn vị thi công và giá cả. Đến cuối tháng 6, có 3 ngư dân xin rút không triển khai, 2 ngư dân chưa tiến hành các bước để thực hiện dự án, 8 ngư dân còn lại đang triển khai, trong đó có 3 dự án có khả năng hoàn thành và hạ thủy trong năm 2015.
Từ thực tế đánh giá hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh, ngành NH xác định, từ nay đến cuối năm tập trung thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH theo hướng mở rộng tín dụng phù hợp với định hướng của ngành và nhu cầu vốn phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các công trình trọng điểm cấp bách của tỉnh, như: Chương trình theo Nghị định 67/2014/NQ-CP; Chương trình theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg; Chương trình kết nối NH-DN; Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở; Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp... Cùng với đó, ngành NH tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu các TCTD, NH theo hướng kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao vai trò tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn tín dụng đảm bảo an toàn hoạt động. Triển khai có hiệu quả Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015. Chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, DN bị thiệt hại do nắng hạn để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vốn vay,... theo tinh thần chỉ đạo của NHNN, nhằm hỗ trợ khách hàng ổn định sản xuất, kinh doanh.
Văn Thanh