Để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chị Thái cùng các thành viên trong Ban Chấp hành Hội Nông dân xã tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân và các chương trình, dự án chuyển giao khoa học-công nghệ vào sản xuất cho hội viên, nông dân nhằm nâng cao sản xuất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí, tăng thêm lợi nhuận, cải thiện đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Chị Cada Thị Thái đang hướng dẫn hội viên trồng trọt.
Để bà con dễ hiểu và dễ ứng dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị cùng Ban Chấp hành Hội đã đề ra giải pháp tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng Kinh và Raglai; trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho hội viên. Vào đầu mỗi mùa vụ, chị tích cực đi đến từng nhà vận động bà con nông dân xuống giống theo từng vụ, đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao như bắp lai, lúa nước, mía… vào sản xuất. Nhờ vậy, nông dân ở Phước Chính đã dần thay đổi nếp nghĩ, tiếp thu và áp dụng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao.
Chị Chamaléa Thanh, thôn Suối Khô, chia sẻ: Gia đình mình có 3ha đất rẫy. Trước đây, mình chỉ biết trồng giống bắp địa phương, năng suất chỉ đạt khoảng 1 tấn/ha. Được chị Thái vận động, gia đình chuyển sang trồng bắp lai nên năng suất đạt 3 tấn/ha. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo năm 2014. Anh Chamaléa Hảo, cũng ở thôn Suối Khô, cho biết: Nhờ có chị Thái hướng dẫn cách làm ăn, tạo điều kiện cho gia đình vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua bò về nuôi sinh sản gây đàn. Đến nay, gia đình mình đã có 10 con bò. Với 2ha đất rẫy, khi được chị Thái vận động, mình đã chuyển đổi sang trồng bắp lai, năng suất đạt cao. Vừa chăn bò, vừa trồng bắp nên kinh tế gia đình đã khá lên và đã thoát nghèo.
Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chị Thái đã tìm nhiều hình thức vận động cán bộ, hội viên và các hộ nông dân đóng góp tiền, ngày công lao động vào xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng... Thông qua cách vận động thuyết phục của chị, nhiều hộ trong xã đã tự nguyện hiến đất để làm đường, đóng góp ngày công để xây dựng đường giao thông liên thôn, liên xã. Vận động nông dân trong xã nạo vét 1,5km kênh mương nội đồng; vận động thành lập 3 nhóm đồng sở thích về chăn nuôi, 1 nhóm về trồng trọt; duy trì 7 tổ vần đổi công; phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay ủy thác 144 hộ, với tổng dư nợ 2,6 tỷ đồng. Nhờ thế, chị cùng Ban Chấp hành hội góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn xã miền núi Phước Chính ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày càng khấm khá, đi lên.
Trao đổi về phương châm làm việc, chị Ca da Thị Thái cho biết: Hội Nông dân xã chú trọng bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân để có giải pháp hỗ trợ kịp thời nhằm thúc đẩy phong trào thi đua làm kinh tế giỏi trong hội viên, nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Ghi nhận các thành tích trong hoạt động công tác Hội, từ năm 2012-2014, chị được UBND huyện Bác Ái khen thưởng về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bình An