Các cuộc hội đàm cho thấy sự phối hợp với các cường quốc châu Á đã giúp Moskva giảm áp lực từ phương Tây, mặc dù nguyên thủ các nước thành viên BRICS không phủ nhận vai trò của việc mở rộng các mối quan hệ với Mỹ. Phát biểu tại cuộc gặp, ông Putin nêu rõ những khó khăn mà Nga phải đối mặt trong lĩnh vực kinh tế và chính trị đối ngoại, song cũng nhấn mạnh bằng việc phối hợp với Trung Quốc, Moskva đã vượt qua được không ít thử thách. Tuyên bố này của ông Putin được xem là phát ngôn lấy tinh thần cho cả Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lẫn Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại thành phố Ufa (miền Trung nước Nga), đồng thời cũng cho thấy rõ sự trông đợi của Nga vào Trung Quốc như "chiếc phao cứu sinh" trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị. Tuyên bố của ông Putin không phải là không có căn cứ bởi Trung Quốc hiện là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Nga. Năm 2014, kim ngạch ngoại thương hai nước đạt 90 tỷ USD và hoàn toàn có triển vọng nâng chỉ số này lên 200 tỷ USD vào năm 2020. Bắc Kinh và Moskva còn đặt ra các nhiệm vụ hết sức tham vọng, trong đó có việc chuyển sang cơ chế thanh toán thương mại song phương hoàn toàn bằng đồng nội tệ của hai nước. Năm 2014 Ngân hàng trung ương hai bên ký thỏa thuận hoán đổi ít nhất 150 tỷ nhân dân tệ nhằm làm giảm thiểu các rủi ro tài chính khi thực hiện các dự án lớn trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải và đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, giới quan sát phương Tây còn đặc biệt chú ý tới nội hàm hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung. Tờ "Guardian" nhận định, Nga và Trung Quốc đang xây dựng một trục xoay chiến lược mặc dù lãnh đạo của hai quốc gia này đều một mực phủ nhận không có ý định thành lập một liên minh quân sự đúng nghĩa mà chỉ mong muốn hạn chế sự bành trướng của Mỹ trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong nội bộ chính giới ở cả Nga và Trung Quốc đều có ý kiến thừa nhận cả Moskva và Bắc Kinh đang xem xét một cách nghiêm túc vấn đề thiết lập lại một trật tự thế giới đa cực với vai trò rộng rãi của nhiều trung tâm quyền lực trên thế giới. Nga và Trung Quốc còn âm thầm ủng hộ nhau trong cuộc chiến giành giật ảnh hưởng, như việc Moskva "thu hồi" Crimea và Bắc Kinh tiến hành cuộc chiến giành giật lãnh thổ của các quốc gia láng giềng ở Biển Đông. Chuyên gia Yakov Berger từ Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga nhấn mạnh, cách thức mà các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin về chuyến đi Nga của ông Tập Cận Bình đã cho thấy giữa Moskva và Bắc Kinh hiện chưa có bất cứ hình thức liên minh nào, mặc dù xu hướng xích lại giữa hai nước vẫn được duy trì và có thể sẽ tiếp tục trong thời gian dài, tùy thuộc vào khả năng của Trung Quốc bước ra vũ đài chính trị thế giới nhanh hay chậm và sự đáp trả của Mỹ. Cả Nga và Trung Quốc hiện vẫn còn rất nhiều nguồn lực để tăng cường hợp tác, trước hết là trong lĩnh vực năng lượng. Giới phân tích nhận định rằng quan hệ chính trị giữa Nga với Trung Quốc và Ấn Độ đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Với sự vận động của thế giới như thời gian qua, tam giác quan hệ mới hình thành này đang và sẽ trở thành một vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Theo TTXVN