1. Sau khi không đạt thỏa thuận vào ngày 9-7 như được mong đợi, trong đàm phán về hồ sơ hạt nhân của Iran bất ngờ xuất hiện những cáo buộc mới, làm gia tăng nghi ngờ về một kết quả tích cực khi ngoại trưởng Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) cùng với Iran nối lại đàm phán vào ngày 10-7 tại Vienna, Áo.
Một quan chức cấp cao trong phái đoàn Iran cáo buộc, các nước phương Tây đã thay đổi quan điểm trong đàm phán, quay trở lại các nội dung của thỏa thuận khung hồi tháng Tư tại Thụy Sĩ.
Ngoài ra, phía Iran còn phàn nàn rằng P5+1 đã không thể hiện một quan điểm thống nhất trong đàm phán, mỗi nước đều đưa ra yêu cầu của riêng mình, khiến cuộc đàm phán không mang tính chất đa phương, mà giống với 5 cuộc đàm phán song phương ghép lại.
Quan chức Iran cũng nhắc lại rằng, một trong những khác biệt lớn trong quan điểm của Nhóm P5+1 là về biện pháp trừng phạt Iran: Trung Quốc và Nga ủng hộ yêu cầu của Tehran được dỡ bỏ ngay lệnh trừng phạt, trong khi các nước còn lại muốn gắn việc dỡ bỏ với tiến trình Tehran thực hiện cam kết.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các lãnh đạo phương Tây khác cáo buộc, Iran đã không thực hiện những quyết định chính trị quyết liệt để thu hẹp chương trình hạt nhân của mình.
2. Trong số các chủ nợ của Hy Lạp từ trước tới nay chỉ có Liên minh châu Âu tỏ ra mềm mỏng. Quỹ Tiền tệ quốc tế và nước Đức luôn kiên trì quan điểm: Đã vay thì phải trả.
Quỹ Tiền tệ quốc tế từ trước vẫn đồng tình với quan điểm cứng rắn của Đức. Thế nhưng, hôm 9-7, Quỹ Tiền tệ quốc tế đã bất ngờ lần đầu tiên nói tới giải pháp tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp. “Một mặt, Hy Lạp phải tiến hành cải cách thực chất. Mặt khác, phải tái cơ cấu lại nợ. Chúng tôi cho rằng điều đó là cần thiết”- bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế nói.
Tái cơ cấu lại nợ, nói cách khác là xoá một phần nợ là điều Hy Lạp đang đòi hỏi. Trước diễn biến bất ngờ trên, mọi con mắt đều tập trung vào Đức. Tuy nhiên, ông Wolfgang Schaeuble, Bộ trưởng Tài chính Đức, cho biết: “Các Hiệp ước châu Âu không cho phép xoá nợ công. Làm như thế sẽ là vi phạm luật lệ châu Âu và cũng có nghĩa là các hiệp định ràng buộc sẽ không còn nghĩa lý gì”.
Món nợ 322 tỷ được cho là vượt quá sức chịu đựng của Hy Lạp, vì vậy Chính phủ nước này đã yêu cầu được xoá 30% số nợ và lùi thời hạn trả phần còn lại thêm 20 năm nữa. Đề xuất của Hy Lạp sẽ được các Bộ trưởng Tài chính nghiên cứu trước khi đưa lên Hội nghị Thượng đỉnh bất thường sẽ diễn ra vào Chủ nhật (ngày 12-7).
3. Tại thành phố Ufa của Nga đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Tổng thống Nga Vladimir Putin chào đón lãnh đạo các cường quốc mới nổi (BRICS) đến tham sự Hội nghị Thượng đỉnh, với hy vọng nước Nga sẽ không đơn độc trong bối cảnh phương Tây tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nước này về vấn đề Ukraine. Điện Kremlin nhìn nhận, BRICS như một cơ chế kinh tế và chính trị có ảnh hưởng, có thể đối trọng với phương Tây.
Mối quan hệ giữa Moscow với BRICS đã trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh nền kinh tế Nga đã ít nhiều chịu thiệt hại do các lệnh trừng phạt của phương Tây, và Nga đã bị loại khỏi nhóm G-8, nhóm 8 cường quốc kinh tế.
Với chủ đề “BRICS-tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển toàn cầu”, hội nghị lần này dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố Hành động Ufa thể hiện quan điểm của BRICS đối với các vấn đề có tính toàn cầu, đồng thời rà soát thông qua các quy chế thủ tục nhằm chính thức khởi động Quỹ Tín dụng Dự phòng của BRICS với số vốn lên tới 100 tỷ USD nhằm hỗ trợ các nước thành viên xử lý những trường hợp thiếu hụt khẩn cấp về ngoại tệ.
P.V