Không cam chịu đói nghèo, năm 1998, khi xã An Hải có chủ trương phát triển nông nghiệp bằng việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, chuyển giao mô hình sản xuất mới cho nông dân thì anh Châu Văn Năng là một trong những hộ đi đầu tham gia.
Anh Châu Văn Năng.
Anh tâm sự: “Gia đình mình có 8ha đất sản xuất, phần lớn đều nằm ở vùng khan hiếm nước. Vì vậy, cuối năm 2009, mình mạnh dạn chuyển 4ha sang trồng các loại rau, 2ha chủ động nước mình dùng trồng lúa và 2ha còn lại trồng cây lâu năm”. Để tiết kiệm công lao động và đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích trồng rau, anh Năng đã đầu tư hơn 10 triệu đồng để đào giếng lấy nước và lắp hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa toàn bộ vùng sản xuất. Nhờ chủ động nguồn nước tưới, nên sau vụ cà-rốt vừa cho thu hoạch, anh luân canh sang trồng đậu phộng, hành lá và một số cây màu khác rất hiệu quả. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh Châu Văn Năng thu lãi khoảng 250 triệu đồng từ mô hình này.
Có ít vốn trong tay, anh Năng lại suy nghĩ là phải đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất. Vì vậy, đầu năm 2001, anh đã đầu tư hơn 300 triệu đồng mua 1 máy tuốt lúa, 1 chiếc máy cày lớn và 1 chiếc máy cày tay để phục vụ khâu làm đất, vận chuyển hoàng hóa. Trong quá trình sản xuất, anh còn mày mò chế tạo ra chiếc máy bơm thuốc có bán kính phun 4m, với cấu tạo khá đơn giản chỉ gắn một thùng nhựa dung tích 30 lít, một mô-tơ phát điện, hệ thống ống dây phun và trục quay nối 2 bánh xe để di chuyển trên đồng ruộng. Nhờ vậy, không chỉ giảm được thời gian phun thuốc mà còn hạn chế thuốc bảo vệ thực vật tiếp xúc với cơ thể như cách mang bình xịt mà nông dân thường dùng. Đặc biệt, vừa rồi, anh tiếp tục cải tiến thành công chiếc máy kéo của mình bằng cách gắn thêm một công cụ tra lỗ để trỉa đậu phộng. Theo anh Năng, trước đây, mỗi khi xuống vụ, bà con trong thôn thường thuê người làm đất, trỉa đậu, cứ mỗi sào mất từ 5-7 công, chi phí khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Còn bây giờ dùng máy kéo cải tiến của anh, giá thành chỉ có 130.000 đồng/sào, nên hầu hết người dân trong thôn đều thuê máy của anh để làm.
Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất là một tính toán đúng và đem lại hiệu quả cao của anh Châu Văn Năng. Không chỉ phục vụ sản xuất cho gia đình, hằng năm, anh còn nhận khoán cày ải, vận chuyển hoa màu cho người dân trong thôn. Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật và thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất mà kinh tế gia đình anh đã ngày thêm vững vàng. Gia đình anh còn đầu tư mở nhà máy xay xát kết hợp với làm dịch vụ thu mua, bán lúa, gạo, cám. Mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất, gia đình anh thu lãi hơn 400 triệu đồng từ mô hình làm kinh tế tổng hợp.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, trong quan hệ với hàng xóm láng giềng, anh Năng luôn sống hòa thuận, có tình có nghĩa, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương, sẵn sàng và nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm, cách làm ăn để cùng nhau phát triển kinh tế. Thông qua các mô hình làm ăn của mình, anh còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động ở địa phương, với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền, gia đình anh Châu Văn Năng được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; năm 2012, 2013, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Văn Thanh