Bác Ái khắc phục khô hạn, ổn định sản xuất và đời sống

(NTO) Là địa bàn miền núi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khô hạn, huyện Bác Ái đã từng bước khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống.

Theo đánh giá của UBND huyện Bác Ái, hạn hán kéo dài đã làm cho tình hình sản xuất trên địa bàn huyện thời gian qua bị đình trệ, làm giảm năng suất cây trồng, đàn gia súc giảm thể trọng; việc đảm bảo nguồn nước uống cho người dân và gia súc gặp nhiều khó khăn. Nhằm hỗ trợ người dân ổn định đời sống, huyện Bác Ái đã triển khai cấp gạo cứu đói 3 đợt cho người dân, với khối lượng 800 tấn gạo. Trong đó, đợt 1 cấp 100 tấn cho 1.601 hộ/6.715 khẩu, đợt 2 cấp 160 tấn cho 2.415 hộ/1.702 khẩu và đợt 3 cấp 411 tấn cho 4.316 hộ/20.076 khẩu.

 

Người dân xã Phước Thắng tập trung xuống giống vụ hè - thu.

Đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Toàn huyện có 600 hộ, đến nay có khoảng 400 hộ khó khăn nhận được gạo cứu đói. Huyện cũng đã phân bổ 2 đợt kinh phí chống hạn, với tổng kinh phí trên 6,1 tỷ đồng cho các địa phương. Trong đó, đợt 1 với 4,8 tỷ đồng, đã triển khai chở nước cho người dân xã Phước Trung, đào 2 ao lớn và 19 ao nhỏ tại các xã vùng hạn, mua bồn chứa nước cho các thôn và trường học. Trong đợt 2, huyện đã cấp 1,3 tỷ đồng hỗ trợ thức ăn gia súc cho các hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ các hộ dân có gia súc chết do khô hạn để mua giống (4 triệu đồng/con bò và 2 triệu đồng/con dê, cừu).

Nhằm đảm bảo sức khỏe của đàn gia súc trong thời gian xảy ra hạn hán gay gắt, địa phương đã vận động người dân di chuyển gia súc từ rẫy, núi về gần nhà, khu vực gần lòng hồ và vùng chủ động nguồn nước cho gia súc. Trên cơ sở kế hoạch tiêm phòng gia súc năm 2015, huyện đã triển khai tiêm 4.000 liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò cho các xã vùng giáp ranh, 4.200 liều lở mồm long móng cho trâu, bò tại 7/9 xã (xã Phước Hòa, Phước Bình chưa triển khai).

Từ đầu tháng 6, một số địa phương trong huyện đã xuất hiện mưa, với lượng mưa trung bình từ 60-70mm, tại Phước Bình lượng mưa đạt mức 200mm. Người dân các xã Phước Đại, Phước Chính, Phước Hòa đã chuyển đổi một số giống cây trồng, tranh thủ gieo trồng được 220ha, gồm: 94ha mỳ, 66ha đậu, 54ha bắp và 6ha lúa. Đồng thời khắc phục khó khăn tìm nguồn nước tưới, khôi phục diện tích 154ha mía và 50ha mỳ đã xuống giống trước đây, để hạn chế thiệt hại do hạn hán.

Tuy nhiên do nắng hạn lâu ngày, lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn như Sông Sắt, Trà Co vẫn ở mức rất thấp, chỉ khoảng 8% so với dung tích thiết kế. Do đó, theo kế hoạch, vụ hè-thu năm nay, tại các vùng sản xuất không chủ động nước, huyện Bác Ái khuyến cáo người dân không tổ chức xuống giống, mà phải chờ diễn biến thời tiết và lượng nước tích tại các hồ chứa để xây dựng kế hoạch sản xuất bổ sung vụ hè-thu muộn. Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bác Ái, khi lượng nước trong hồ Sông Sắt đạt tới mức 8 triệu m3 sẽ chỉ đạo cho các địa phương sản xuất tại khu vực kênh Nam. Hồ Trà Co khi có lượng nước đạt 3 triệu m3 cho sản xuất màu và đạt trên 6 triệu m3 sẽ chỉ đạo sản xuất đại trà.

Đồng chí Mẫu Thái Phương cho biết thêm: Huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp và đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, xuống giống tại những vùng chủ động nước, đồng thời khuyến cáo người dân không tự ý xuống giống ngoài kế hoạch, mặt khác hỗ trợ giống, kỹ thuật và các điều kiện sản xuất từng bước khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.