Ninh Sơn: Nhân rộng mô hình có ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

(NTO) Ninh Sơn là huyện miền núi có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích đất trồng trọt 17.725,61 ha. Hiện nay, trên địa bàn đã hình thành 3 vùng chuyên canh cây trồng tập trung: Mía, mì quy mô 5.000 ha (chủ yếu ở Quảng Sơn, Hòa Sơn), lúa quy mô 3.745 ha (chủ yếu ở xã Lương Sơn, Lâm Sơn, thị trấn Tân Sơn), táo quy mô 65 ha (chủ yếu ở xã Mỹ Sơn và Nhơn Sơn).

Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở huyện Ninh Sơn những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất chưa đồng bộ dẫn đến chi phí đầu tư cao, hiệu quả kinh tế thấp. Để nâng cao giá trị đơn vị sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, huyện xác định áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả là giải pháp hàng đầu. Hoạt động này được khởi động từ vụ đông-xuân 2012 - 2013 khi Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai mô hình thí điểm “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa ở thôn Lương Cang (xã Nhơn Sơn) quy mô 11 ha với 70 hộ tham gia. Đến vụ hè-thu 2013, Chi cục tiếp tục nhân rộng thêm 2 ha ở thôn Lương Tri và Đắc Nhơn. Cùng thời điểm trên, huyện cũng đã triển khai thí điểm mô hình “Sử dụng bẫy, bả sinh học trong phòng trừ ruồi đục quả táo” quy mô 0,5 ha ở xã Mỹ Sơn.

 
Anh Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn áp dụng mô hình “Sử dụng bẫy, bả sinh học trong phòng trừ ruồi đục quả táo” mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Kết quả mang lại từ 2 mô hình thí điểm áp dụng cho 2 loại cây trồng là rất khả quan. Đối với mô hình “1 phải, 5 giảm” tiết kiệm nhiều chi phí đầu vào. Cụ thể, giảm được 130 kg giống/ha; tiết kiệm lượng phân đạm 20,2kg/ha; giảm 3 đợt phun thuốc BVTV; giảm 2 lần tưới/vụ, tiết kiệm 145m3 nước tưới/ha. Trong khi đó, năng suất mô hình cao hơn ruộng đối chứng 700kg/ha và lãi cao hơn gần 7 triệu đồng/ha. Riêng mô hình “Sử dụng bẫy, bả sinh học trong phòng trừ ruồi đục quả táo” giảm được tỷ lệ ruồi đục quả táo trên 50% so với vườn đối chứng. Năng suất bình quân ở vườn mô hình 28,1 tấn/ha/vụ, cao hơn vườn đối chứng 0,8 tấn; thu nhập bình quân đạt 94 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn vườn đối chứng gần 13 triệu đồng. Đáng chú ý, mô hình phù hợp với trình độ canh tác của nông dân nên được nhiều hộ trong khu vực nhiệt tình hưởng ứng. Sau khi thực hiện mô hình thí điểm, bà con tự nguyện áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cho những vụ tiếp theo. Từ đó, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, tạo dựng mối quan hệ hợp tác bền vững trong liên kết “bốn nhà”.

Việc thực hiện các mô hình thí điểm có hiệu quả tạo cơ sở để huyện triển khai Đề án “Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ KH&CN giai đoạn 2015-2016”. Mục tiêu của đề án là hướng tới xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa, táo an toàn, nâng cao giá trị đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân, cải thiện môi trường sinh thái,…Theo đó, đến năm 2016 sẽ nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa ở địa bàn 6 xã, thị trấn (Nhơn Sơn, Mỹ Sơn, Quảng Sơn, Tân Sơn, Lương Sơn, Lâm Sơn) quy mô 610 ha. Mô hình “Sử dụng bẫy, bả sinh học trong phòng trừ ruồi đục quả táo” cũng được nhân rộng đồng loạt trên diện tích 10 ha ở xã Mỹ Sơn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án, chỉ đạo các đơn vị chức năng, các xã, thị trấn tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Vận động nhân dân phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã thực hiện quy trình kỹ thuật trong suốt mùa vụ một cách đồng bộ. Huyện cũng có chính sách hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, công cụ sạ hàng, bẫy, bả sinh học. Theo kế hoạch, vụ hè- thu nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên diện tích 230 ha, tuy nhiên do thời tiết nắng hạn nên mới thực hiện 10 ha. Hiện lúa được hơn 1 tháng tuổi, đang phát triển tốt. Riêng mô hình Sử dụng bẫy, bã sinh học đang triển khai 5 ha ở vụ này tại xã Mỹ Sơn và Nhơn Sơn.

Đồng chí Nguyễn Long Biên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn nhìn nhận: Đề án đang mở ra triển vọng mới cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Các mô hình được nhân rộng đồng loạt, tập trung trên diện rộng, có cơ sở để xây dựng thành công vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng táo phi dịch hại, đáp ứng yêu cầu của thị trường, và điều quan trọng là nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.