|
Đồng chí Phạm Đồng Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư |
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những nội dung trọng tâm của Hội thảo và những mong muốn của tỉnh ta tại Hội thảo lần này?
Đồng chí Phạm Đồng: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cấp tỉnh là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của các tỉnh, thông qua cảm nhận của các doanh nghiệp trên 10 lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh.
Theo kết quả công bố PCI năm 2014 của VCCI, tỉnh Ninh Thuận đạt 56,88 điểm, tăng 2,66 điểm so năm 2013 và xếp hạng 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so năm 2013. Trong 10 chỉ số thành phần PCI 2014 của tỉnh so với năm 2013, có 5 chỉ số cải thiện điểm số hoặc thứ hạng gồm: Chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai, tính năng động của chính quyền tỉnh, chi phí không chính thức, đã phản ánh nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thông qua mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các cấp, ngành, cũng như mô hình hoạt động Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) trong thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát cảm nhận của DN trong năm qua cho thấy, DN cảm nhận, đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh còn một số mặt chưa tốt, thể hiện ở các lĩnh vực có chỉ số thành phần tụt giảm điểm số hoặc thứ hạng như: Gia nhập thị trường, thiết chế pháp lý, dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động… cần tập trung cải thiện trong thời gian đến.
Thông qua Hội thảo lần này, tỉnh mong muốn nhận được sự ý kiến phân tích, hiến kế của các chuyên gia có kinh nghiệm đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI, nhất là cộng đồng các DN trong tỉnh về các nội dung có liên quan đến PCI năm 2014 của tỉnh Ninh Thuận và các giải pháp mà Ninh Thuận có thể thực hiện ngay để cải thiện chỉ số PCI cấp tỉnh trong năm 2015 và những năm tiếp theo, hướng đến đưa Ninh Thuận vào nhóm các tỉnh có chỉ số PCI cấp tỉnh cao của cả nước.
Phóng viên: Được biết, thời gian qua tỉnh ta có nhiều nỗ lực nâng cao chỉ số PCI, tuy nhiên một số chỉ số thành phần chưa đạt như mong muốn. Để khắc phục, theo đồng chí tập trung thực hiện những giải pháp nào nhằm cải thiện mạnh mẽ trong năm 2015 và những năm tiếp theo ?
Đồng chí Phạm Đồng: Như đánh giá kết quả ở trên, để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2015 và các năm tiếp theo, trong thời gian đến tỉnh ta tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 59-CT/TU ngày 07/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh. Phải xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương. Quán triệt nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu về mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ của Chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI tỉnh Ninh Thuận
Ngay sau hội nghị này, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động Nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh giai đoạn 2016- 2020 với các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI năm 2015 và các năm tiếp theo.
Hai là, từng ngành, địa phương tập trung phân tích những việc làm được và chưa được, xây dựng kế hoạch hành động, giải pháp cụ thể của ngành, địa phương mình để thực hiện ngay trong thời gian còn lại của năm nay nhằm cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2015 và các năm tiếp theo, nhất là các ngành, lĩnh vực có liên quan đến chỉ số thành phần PCI có trọng số cao, các chỉ số tụt giảm điểm số hoặc thứ hạng.
Ba là, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016 và Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua mô hình “một cửa” “một cửa liên thông” tại các cấp, ngành, nhất là mô hình hoạt động của EDO, cho phép nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy trình song song, cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, kê khai thuế qua mạng... nhằm rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, DN.
Triển khai khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; tăng cường đối thoại, hỗ trợ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư, DN, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, phải thực sự đồng hành, chia sẻ với nhà đầu tư, DN, coi thành công của DN là thành công của chính mình.
Tăng cường công tác đào tạo cán bộ về thực thi công vụ; kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhằm nâng cao chất lượng thực thi công vụ và các dịch vụ công.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Thu Thủy (thực hiện)