Đối với tỉnh ta, năm 2014 kết quả chỉ số PCI đạt 56,88 điểm, xếp hạng 43/63. Như vậy nếu so với năm 2013 chỉ số này đã tăng 2,66 điểm và tăng thứ hạng 9 bậc, đồng thời đứng đầu nhóm có kết quả điều hành kinh tế Trung bình trong cả nước. Kết quả nêu trên cho thấy quyết tâm rất cao từ lãnh đạo tỉnh đến sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Qua phân tích, trong 10 chỉ số thành phần thì có 5 chỉ số cải thiện điểm số và thứ hạng (tăng 2 chỉ số so với năm 2013) đó là chỉ số về chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai, tính năng động của chính quyền tỉnh và cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, các chỉ số này lại chiếm trọng số thấp (có 4/5 chỉ số chiếm trọng số 5%); có 2 chỉ số giảm điểm và thứ hạng so năm 2013 gồm: gia nhập thị trường và thiết chế pháp lý, các chỉ số này chiếm trọng số 5%; có 3/10 chỉ số cải thiện điểm số nhưng tụt giảm thứ hạng so năm trước gồm: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tính minh bạch, những chỉ số này chiếm trọng số cao nhất (20%) nhưng mức độ cải thiện chậm, chưa đạt theo kỳ vọng của tỉnh.
Đánh giá một cách cân phân, ngoài những yếu tố mang tính khách quan như tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn khó khăn, khôi phục chậm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, tỉnh đã kiên quyết xử lý đối với những dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai theo cam kết; chọn lọc trong tiếp nhận dự án đầu tư... đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các Nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN). Về chủ quan, các DN còn nhiều khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo các cấp chưa thật sự tích cực để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh cho DN. Qua phân tích các chỉ số thành phần cho thấy DN trong tỉnh còn phản ánh: Thái độ của cán bộ các cấp chưa nhiệt tình trong giải quyết công việc cho DN, thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, một số thủ tục còn cứng nhắc; các quy định về thuế thường xuyên điều chỉnh thay đổi, chính sách thuế không thông thoáng khi DN khó khăn; các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ cho DN chưa được DN đánh giá cao; DN chưa hài lòng về chất lượng nguồn lao động của tỉnh vì còn thiếu và đào tạo chưa chuyên sâu…Một số DN còn cho rằng vẫn còn rất khó tiếp cận đến những tài liệu như các cơ chế, chính sách của địa phương và cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh; rất khó tiếp cận mặt bằng do thiếu quỹ đất “sạch”…
Từ thực tế phân tích nêu trên, vấn đề đặt ra là để cải thiện chỉ số PCI của tỉnh năm 2015 và các năm tiếp theo đầu tiên là phải nhận rõ những hạn chế để khắc phục có hiệu quả. Trong đó, tập trung chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng). Thực hiện tốt cơ chế “một cửa” và “ một cửa liên thông” trên các lĩnh vực, nhất là các thủ tục liên quan đến DN. Tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ DN thực hiện các thủ tục hành chính, đẩy mạnh triển khai các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN. Song song với đó tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng giao tiếp hành chính đối với cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với người dân và DN. Một trong những nội dung không kém phần quan trọng để cải thiện và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh đó là tăng cường tổ chức đối thoại chuyên đề, nhất là các lĩnh vực DN gặp nhiều khó khăn như đất đai, tập trung giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính sách thuế, tín dụng… qua đó kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN một cách thỏa đáng, đúng quy định pháp luật, góp phần nâng cao cảm nhận của DN về hỗ trợ của các cấp chính quyền đối với DN.
Hy vọng rằng với quyết tâm cao, hành động quyết liệt của tỉnh và các cấp, ngành, địa phương chỉ số PCI của tỉnh năm 2015 này sẽ đạt nhiều kết quả như mong muốn.
Tuấn Dũng