Sáng 21/6, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ khánh thành, thông xe Dự án thành phần 1, đầu tư mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Điện Bàn đến huyện Phú Ninh.
Hình ảnh tại Lễ khánh thành. Ảnh: VGP/Minh Trang
Dự án có điểm đầu tại Km 947+00 (huyện Điện Bàn) và kết thúc tại Km 987+00 (huyện Phú Ninh) với tổng chiều dài 41,4 km, tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 545 làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (Đầu tư-Kinh doanh-Chuyển giao).
Trong đó, chiều dài đoạn mở rộng là 29,96 km đi qua 4 huyện là Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh và tiếp giáp dự án thành phần 2 tỉnh Quảng Nam (đã hoàn thiện vào tháng 5/2015 vừa qua).
Đoạn đường được xây dựng theo tiêu chuẩn công trình cấp II, bám theo đường hiện tại, tận dụng tối đa hạ tầng cũ, có cải tạo cục bộ một số vị trí để bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và hạn chế giải phóng mặt bằng. Đoạn qua đô thị có quy mô nền đường rộng 20,5m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp cùng nhiều hạng mục khác.
Dự án khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giải tỏa tình trạng thắt nút cổ chai trên toàn tuyến, giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra tại khu vực, thông suốt đoạn quốc lộ từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi.
Sau khi đưa vào sử dụng, chủ đầu tư sẽ được phép thu phí hoàn vốn trong 23 năm 4 tháng.
* Cũng trong sáng 21/6, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Lễ thông xe công trình đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A qua tỉnh Bình Thuận có chiều dài trên 118 km đường bao gồm 2 dự án thành phần là: Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1A sử dụng nguồn trái phiếu chính phủ, dài 73,5 km với tổng mức đầu tư hơn 5.110 tỷ đồng khởi công vào tháng 9/2013 và Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Bình Thuận theo hình thức hợp đồng BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao) dài 44,7km với tổng mức đầu tư 2.587 tỷ đồng khởi công vào tháng 6/2013.
Đến nay, cả hai dự án đều hoàn thành trước tiến độ gần 7 tháng so với yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải.
Quốc lộ 1A đoạn Hàm Thuận Bắc đi Tuy Phong. Ảnh: Báo Bình Thuận.
Ông Nguyễn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của các ngành, các cấp và quan trọng nhất là sự đồng thuận, hưởng ứng cao của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng đã giúp đơn vị thi công rút ngắn được thời gian, bảo đảm tiến độ đề ra.
Công trình sớm đưa vào khai thác không chỉ giúp tiết giảm kinh phí xây dựng mà còn góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận nói riêng, khu vực Nam Trung Bộ nói chung và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Quốc lộ 1A là tuyến đường huyết mạch của cả nước và đối với Bình Thuận, đây là tuyến đường đối ngoại chính, giữ vai trò trọng yếu để phát triển kinh tế-xã hội địa phương, thông thương với các tỉnh, thành phố bạn.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị đầu tư, thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đoạn còn lại trên tuyến Quốc lộ 1A để bảo đảm lưu thông thông suốt, an toàn và phát huy hiệu quả tích cực của toàn dự án.
Đồng thời, xem xét giải quyết một số kiến nghị chính đáng của nhân dân như: Hoàn trả lại hiện trạng kênh mương thủy lợi; công tác bảo đảm an toàn giao thông và mở dải phân cách ở một số vị trí hợp lý.
* Trước đó vào ngày 20/6, Bộ GTVT, TP Hải Phòng, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) tổ chức Lễ thông xe, khai thác chính thức đoạn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư hoàn chỉnh dài gần 23 km qua TP Hải Phòng với tốc độ tối đa 120km/h.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tốc độ khai thác tối đa tới 120km/h. Ảnh: Báo Giao thông
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, trong khi chưa hoàn thành được toàn bộ dự án, việc thông xe đoạn tuyến này sẽ giúp điều tiết lưu lượng, giảm bớt một phần áp lực cho tuyến QL5, QL10 và các tỉnh lộ trong khu vực.
Dự kiến tháng 8 này sẽ đưa vào khai thác thêm hơn 76 km nữa từ nút giao Phạm Văn Đồng, TP Hải Phòng (Km 96+700) đến nút giao với QL39 (Km 20+267) thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên.
Tháng 12/2015 sẽ hoàn thành toàn tuyến cao tốc. Lúc đó, thời gian đi lại từ Hà Nội đến Hải Phòng sẽ chỉ còn khoảng 50 phút và từ Hà Nội đi Hạ Long còn 1h10 phút.
Nguồn www.chinhphu.vn