Tổng kết dự án số hóa văn bản Chăm

(NTO) Ngày 17-6 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn thành phố Hồ Chí Ninh, Trung tâm Nghiên cứu việt Nam – Đông Nam Á đã tổ chức tổng kết Dự án nghiên cứu về “Số hóa Văn bản Chăm” do Trung tâm thực hiện với sự phối hợp và tài trợ của Phòng Đông Nam Á thuộc Thư viện Northern Illinois University, Hoa Kỳ.

Chương trình dự án được triển khai từ tháng 7 năm 2014 đến tháng 7 năm 2015 với mục đích nhằm giúp công tác bảo quản các văn bản Chăm hiện còn lưu giữ ở một số địa phương của Việt Nam được tốt hơn đồng thời đáp ứng nhu cầu tra cứu, nghiên cứu cho các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh, sinh viên…

 
Các đại biểu tham dự tổng kết dự án số hóa văn bản Chăm.

Dự án đã triển khai các nội dung: tập huấn, tổ chức khảo sát thực tế và tiến hành sao chụp các tài liệu văn bản Chăm ở hai địa phương NinhThuận và Bình Thuận, hướng dẫn phương pháp và hỗ trợ, nâng cao nhận thức về vấn đề bảo quản tài liệu văn bản Chăm trong các gia đình Chăm hiện có.

Kết quả nhóm thực hiện dự án đã khảo sát, sưu tầm, sao chụp, xử lý số hóa được trên 500 quyển tài liệu văn bản Chăm các loại với nhiều nội dung phong phú tại 9/57 làng Chăm của hai tỉnh trên với tổng số trang lên đến hàng chục ngàn trang. Tất cả kết quả tài liệu số hóa trên đã được dịch ra tiếng Anh và chuyển giao cho Thư viện hai trường đưa vào khai thác tra cứu với phần mềm ứng dụng hỗ trợ của Anh quốc.

Với kết quả này cho thấy hiệu quả thiết thực của việc số hóa văn bản Chăm và vấn đề bảo quản, kéo dài tuổi thọ cho những tài liệu này là hết sức thiết thực và bức bách trong tình hình hầu hết các tài liệu đó còn được lưu giữ rất lớn trong dân tại các làng Chăm nhưng điều kiện bảo quản hầu như không đảm bảo. Số lượng văn bản được số hóa tuy lớn nhưng so với thực tế thì còn quá nhỏ. Cần có những chương trình dự án tiếp theo để tiếp tục thực hiện số hóa rất nhiều văn bản Chăm còn lưu giữ. Đồng thời nâng cao nhận thức về giá trị của khối tài liệu, là những di sản vô giá cần được bảo vệ và lưu giữ tốt nếu không sẽ nhanh chóng mất đi vĩnh viễn bởi sự hủy hoại của môi trường. Bên cạnh đó, vấn đề truyền dạy chữ Chăm cũng được đặt ra cấp bách vì hiện nay số người đọc được các văn bản Chăm cổ là rất ít, mà đã không đọc được thì không thể hiểu hết các giá trị và do đó sẽ không có nhận thức đầy đủ về giữ gìn, bảo lưu và phát huy giá trị những tài liệu cổ quí giá này.