Thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) thôn hiện có 718 hộ, với 3.158 khẩu. Đời sống của đồng bào Chăm ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông. Ông Hứa Văn Thương, Trưởng thôn Lương Tri cho biết: Những năm qua, người dân thôn đều vui mừng vì được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng đường bê-tông sạch đẹp, đi lại thuận lợi. Đời sống của bà con trong thôn từng ngày khởi sắc, số hộ khá, giàu tăng lên, hộ nghèo giảm xuống còn 5%.
Niềm vui được mùa lúa của nông dân thôn Lương Tri. Ảnh: Sơn Ngọc
Trên con đường vào thôn, bà con đang tích cực dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm để đón Ramưwan. Bà Thành Thi Thu, cho biết: Ramưwan là dịp để con cháu trở về, bạn bè gần xa đến thăm, nên bà con trong thôn phải chung tay làm bộ mặt thôn xóm sạch đẹp, như vậy mùa Ramưwan mới ý nghĩa hơn.
Toàn thôn hiện có 264 ha trồng lúa và gần 90 ha đất canh tác hoa màu. Nhờ thực hiện chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác theo mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa cho năng suất đạt bình quân 70 tạ/ha/vụ. Bên cạnh đó, bà con còn phát triển chăn nuôi gia súc có sừng, với số lượng trên 9.600 con. Trong đó, đàn cừu 8.307 con, đàn trâu bò 962 con…
Đời sống kinh tế phát triển, bà con có điều kiện chăm lo cho con cái học hành đàng hoàng; 100% con em trong độ tuổi được đến trường. Bà con trong thôn luôn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, nghiêm túc thực hiện quy ước của thôn, đơn giản hóa việc tổ chức ma chay, lễ hội, cưới xin… Qua bình xét hằng năm, toàn thôn có gần 600 hộ đạt Gia đình văn hóa 3 năm liền, chiếm 87%.
Những năm qua, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng bào Chăm thôn Lương Tri đã tích cực đóng góp ngày công, tiền xây dựng các tuyến đường nội thôn, với tổng chiều dài 1.055 m, tổng kinh phí 641 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 67 triệu đồng. Đặc biệt, công trình xây chợ Lương Tri theo hình thức xã hội hóa, với tổng kinh phí 400 triệu đồng do anh Câu Hồng Luân, người trong thôn bỏ vốn ra xây dựng đã đưa vào sử dụng vào cuối năm 2014. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân.
Ông Hứa Văn Thương, cho biết thêm: Tuy năm nay, thời tiết không mấy thuận lợi, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, nhưng bà con người Chăm vẫn tổ chức đón Ramưwan với tinh thần vui tươi, tiết kiệm và đoàn kết.
Tiến Mạnh