Theo thống kê chưa đầy đủ, hạn hán đã làm cho trên 16 ngàn ha (tính đến vụ hè-thu này) chủ yếu là các vùng “ăn” nước từ các hồ, đập thủy lợi trong tỉnh phải bỏ hoang hóa; gần 8.620 hộ với trên 41.900 nhân khẩu của 10 xã thuộc 5 huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam và Ninh Hải phải được cấp nước sinh hoạt hàng ngày để bảo đảm nhu cầu tối thiểu của cuộc sống... Không những vậy, hạn hán còn tác động đến nhiều lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, thương mại và quan trọng hơn là nguy cơ tái nghèo của các địa phương nằm trong “tâm” hạn sẽ tăng cao... Tuy nhiên, qua ghi nhận của chúng tôi, điều đáng quý là cùng với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ trung ương đến tỉnh và cơ sở đối với người dân vùng bị hạn hán như hỗ trợ cấp nước, lương thực, kinh phí để tu sửa, khai thông, đào ao, giếng... giúp người dân vừa chống hạn, vừa duy trì sản xuất để tạo thu nhập từ cây trồng đến vật nuôi... một cách kịp thời.
Xã Phước Trung (Bác Ái) nỗ lực đào ao tích trữ nguồn nước uống cho đàn gia súc trong mùa khô hạn.
Ảnh: Sơn Ngọc
Ngay cả người dân cũng không trông chờ hay ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước mà đa số đã chủ động bằng nội lực để chống hạn, cứu cây trồng, duy trì đàn gia súc được xem là gia sản-”của nổi”-từng nông hộ. Có thể nói, chính trên thực tế sản xuất không ít nông hộ đã có nhiều cách làm sáng tạo để đối phó có hiệu quả với nắng hạn lâu ngày như đầu tư mở rộng giếng đào, giếng khoan để tìm nguồn nước ngọt, liên kết với nhau để hùn vốn đào ao chia sẻ nguồn nước tưới hợp lý... Một số nông hộ bằng kinh nghiệm đã chủ động chuyển đổi cây trồng, tạo thu nhập như chuyển đất lúa sang trồng đậu, trồng dưa hấu, trồng bắp để làm thức ăn cho gia súc nhưng chi phí không tốn là bao... nhờ những cách làm sáng tạo đó đã duy trì được đàn gia súc. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 1.450 con dê, cừu phần lớn là dê, cừu non theo mẹ, chết do thiếu sữa; 117 con trâu, bò chết với trên 50% là suy dinh dưỡng, già yếu... Nếu so với tổng đàn thì số bị chết chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Những cách làm của nông hộ cũng như hỗ trợ của Nhà nước là đáng quý nhưng cân phân mà nói đây cũng mới dừng lại ở giải quyết “phần ngọn” mà theo các chuyên gia giải pháp căn cơ lâu dài, “phần gốc” đó là cần đầu tư cho các công trình thủy lợi, trong đó xây dựng liên thông giữa các hồ để tích nước và điều hòa hợp lý nguồn nước, tránh cục bộ như hiện nay. Mặt khác, cần chuyển đổi cây trồng hợp lý gắn với áp dụng khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là chuyển nhanh đất lúa sang cây trồng ít sử dụng nước nhưng hiệu quả cao; sử dụng kỹ thuật tưới phun qua đầu, tưới nhỏ giọt, tưới “nông-lộ-phơi” cho lúa... Muốn vậy, ngành nông nghiệp cần có quy hoạch chi tiết, cụ thể dựa trên thực tế từng vùng đất, các nông hộ cũng cần thay đổi tập quán sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng gắn với quy hoạch và thông tin thị trường về đầu ra sản phẩm...
Suy cho cùng, không phải một sớm một chiều mà giải quyết được nhưng ngay từ bây giờ cần “bắt tay” tiến hành những việc cần làm để hàng năm người dân vùng thường xuyên bị thiên tai “tránh hạn” chứ không phải “gồng mình” chống hạn như hiện tại!.
Hạ Huyền