Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Chiều 12/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trực tiếp trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII với các vấn đề đang được các đại biểu và cử tri quan tâm: Việc đổi mới cách tổ chức kỳ thi quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học năm 2015, những khó khăn và biện pháp bảo đảm thực hiện, áp dụng ổn định trong thời gian tới….
Đổi mới thi cử không phải để gây sốc
Chất vấn người đứng đầu ngành giáo dục, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) chuyển tới Bộ trưởng băn khoăn của cử tri khi cho rằng, năm trước thi tốt nghiệp THPT do các tỉnh, Sở Giáo dục thực hiện, nên tỷ lệ đỗ cao, năm nay do các cơ sở giáo dục đại học chủ trì nên các cha mẹ học sinh lo lắng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, việc chấm và coi thi đều có những quy chế chặt chẽ. Măt khác, các thầy cô giáo ở địa phương hay ở các trường học đều coi các cháu là học sinh thân yêu. Cũng theo Bộ trưởng, Bộ đã tính toán tới việc có barem điểm kỹ càng, làm sao trong quá trình thi được nghiêm túc, trung thực. “Mong các em học sinh yên tâm học bài, ôn bài và thi cử. Các thầy cô cũng yên tâm. Đổi mới thi cử để cho chất lượng giáo dục tốt lên, không phải để gây sốc” – Bộ trưởng khẳng định.
Cũng về đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, trả lời chất vấn ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Đổi mới kỳ thi lần này, chúng tôi quán triệt các thầy cô giáo, các nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục nhận phần khó khăn về mình, tạo phần thuận lợi tối đa cho học sinh”.
Theo Bộ trưởng, với kỳ thi THPT quốc gia, số lần đi thi, khoảng cách đi đã giảm đi. Các cháu có kết quả thi rồi mới cân nhắc lựa chọn trường có khả năng trúng tuyển. Với các cháu chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, không đăng ký thi đại học thì vẫn có cơ hội vào đại học. Bởi thực hiện tự chủ đại học theo Luật Giáo dục Đại học, các trường được tuyển sinh riêng và hiện rất nhiều trường đã có phương án tuyển sinh riêng.
Giải quyết những vướng mắc về đánh giá học sinh tiểu học
Quan tâm tới việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, ĐB Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh) chất vấn: Đánh giá học sinh tiểu học như năm vừa qua bên cạnh tích cực còn có ý kiến trái chiều vì nhiều đơn vị sự nghiệp không biết thưởng cho các cháu như thế nào do không rõ lực học? Bộ trưởng nghĩ gì về vấn đề này?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, việc chuyển từ đánh giá học sinh tiểu học bằng kết quả điểm sang việc đánh giá thường xuyên và nhận xét, kết hợp đánh giá bằng điểm là một bước chuyển phù hợp với thực tế đang triển khai tại các nước có nền giáo dục phát triển.
Theo Bộ trưởng, quá trình này nhằm thay đổi động lực học của các cháu, từ học vì điểm số sang hoàn thiện kỹ năng, phẩm chất của con người. Quá trình này đã được nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế và đã triển khai thí điểm trong 3 năm với trên 1.000 trường.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, trong quá trình triển khai đồng loạt có xuất hiện một vài trục trặc nhỏ như: nơi khen thưởng khắt khe quá, nơi nới rộng quá, gia đình không biết điểm số của các cháu...
Song, Bộ trưởng cũng cho biết, qua thăm dò trên các phương tiện truyền thông và thông tin nắm được của Bộ GD&ĐT thấy được tín hiệu tích cực là học thêm dạy thêm giảm đi, đã cân chỉnh lại động lực học tập của các cháu, tránh việc phân loại các cháu, nếu cháu nào học yếu hơn bạn thì dẫn đến tự ti, chán học, bỏ học, cháu được điểm giỏi thì chủ quan…
“Chúng tôi đang tiếp tục lắng nghe để có điều chỉnh, tập huấn cho giáo viên, lãnh đạo các cấp nhằm giải quyết các vướng mắc về đánh giá học sinh tiểu học mà đại biểu nêu và Bộ nắm được” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.
Yên tâm về chương trình sách giáo khoa mới
Việc triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mới là một trong những nội dung được nhiều ĐBQH chất vấn người đứng đầu ngành giáo dục.
ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc triển khai chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập huấn giáo viên để triển khai chương trình sách giáo khoa mới như thế nào cho đạt hiệu quả?
Còn ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lo lắng liệu kết quả dạy thử nghiệm nội dung mới có chính xác, làm sao để cử tri yên tâm về chương trình sách giáo khoa mới?
ĐB Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp mới để huy động nhà nhiên cứu Khoa học, nhà xã hội học cùng tham gia nghiên cứu sách giáo khoa?
Trả lời chất vấn về những vấn đề này, Bộ trưởng cho biết: Cả nước chỉ có một chương trình thống nhất, có nhiều sách giáo khoa để khuyến khích các cá nhân, tổ chức cùng tham gia. Việc biên soạn chương trình sách giáo khoa đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Quốc hội, là đổi mới nhưng không bỏ cái cũ mà kế thừa những tinh hoa đã có, bổ sung hoàn thiện những cái đã thiếu, chưa đáp ứng, loại bỏ những quá tải, không phù hợp. Nên những gì đã thực nghiệm tốt thì giữ lại, không cần thực nghiệm nữa. Những cái mới bổ sung thì cần thực nghiệm, giao cho các tác giả triển khai vì người viết nắm được ý đồ thực hiện, có một Hội đồng gồm các nhà khoa học, chuyên gia... thẩm định.
Liên quan đến việc huy động các nhà khoa học, nhà xã hội học biên soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng khẳng định, đây là một trong những yêu cầu trong quá trình triển khai. Bộ đã huy động các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý trong và ngoài nước tham gia. Bộ cũng tham khảo chương trình giáo dục tiên tiến của các nước. Cơ chế này sẽ được tiếp tục duy trì và mở rộng trong quá trình tổ chức hoàn thiện chương trình và tổ chức thẩm định./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam