Trước việc các đại biểu Quốc hội cho rằng Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản được triển khai chậm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có giải trình tại phiên thảo luận Hội trường về các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội chiều 8/6.
Các đại biểu Quốc hội phát biểu về nội dung này đều bày tỏ Nghị định 67 là chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tuy nhiên trên thực tế triển khai còn chậm.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại phiên thảo luận tình hình KT-XH tại Quốc hội ngày 8/6
Đại biểu Nguyễn Thái Học, tỉnh Phú Yên- nơi có hoạt động nghề cá rất phát triển cho rằng, mặc dù Chính phủ rất quyết tâm trong chỉ đạo triển khai thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất nỗ lực, nhưng theo Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 thì đến nay chỉ mới có 2 tàu đóng mới và giải ngân xong, 1 tàu ở Bến Tre, 1 tàu ở Thừa Thiên Huế. Mấy ngày gần đây báo chí nêu thêm một số tàu của Ninh Thuận cũng được giải ngân.
Đại biểu Nguyễn Thái Học nêu câu hỏi vì sao một chủ trương khi Quốc hội bàn và thống nhất thì nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân nhưng khi triển khai thực hiện thì chậm?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết khi Quốc hội phê duyệt nguồn chi cho chương trình từ ngày 16/5/2014 thì tới 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định cho thấy sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương là khá nhanh.
Mục tiêu là khuyến khích ngư dân bám biển trên cơ sở thúc đẩy tổ chức lại nghề cá, giúp người dân ra khơi bám biển, tăng thu nhập cho ngư dân, tăng cường bảo vệ chủ quyền, đảm bảo an ninh quốc phòng. Mục tiêu này cũng phù hợp với Chiến lược Biển tới năm 2020, đưa nước ta thành nước mạnh về biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền biển.
Không phải bây giờ mới làm mà Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết chủ trương này được Đảng, Nhà nước thực hiện nhiều năm nay.
Năm 1997 có chương trình hỗ trợ đánh bắt cá xa bờ, sau đó có một số chính sách liên quan tới chương trình đánh bắt xa bờ. Nhưng sau khi tổng kết, Chính phủ thấy chưa toàn diện, đồng bộ, có sơ hở nên các chính sách trước là khá hạn chế.
Với mục tiêu như trên, Nghị định 67 được thiết kế khá đồng bộ, toàn diện trên các mặt: Định hướng đầu tư hạ tầng nghề cá một cách đồng bộ, kể cả các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; khuyến khích lại tổ chức sản xuất, phát triển hậu cần dịch vụ nghề cá để tạo cú hích, tạo chuyển biến vượt bậc đánh bắt xa bờ.
Phó Thủ tướng nêu các chính sách mới như miễn giảm thuế, lệ phí trước bạ, cho vay lưu động không thế chấp, hỗ trợ bảo hiểm với tàu, trang thiết bị trên tàu từ 70-90% giá trị tùy loại tàu. Tàu càng to hỗ trợ càng nhiều. Hỗ trợ 100% chi phí bảo hiểm cho thuyền viên và bảo hiểm trên tàu, hỗ trợ 100% chi phí đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ sắt, vật liệu mới, hỗ trợ 2 chiều vận chuyển cho tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Nghị định 67 cũng hỗ trợ tàu nâng cấp và đóng mới nhưng khuyến khích với tàu công suất lớn, tàu vỏ thép, vật liệu mới (hỗ trợ cho vay tới 90% giá trị con tàu), trong đó tàu vỏ thép, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được hỗ trợ cao nhất.
Lãi suất khi thiết kế chính sách từ 7- 9% nhưng chủ tàu chỉ trả 1- 2% cho suốt thời gian vay còn lại (11 năm) và nhà nước trả hộ cho phần lãi suất còn lại. Trong quá trình cho vay, ngư dân không thế chấp tài sản khác mà chỉ thế chấp bằng con tàu hình thành tương lai.
“Chính sách như vậy là rất lớn”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định.
Ông cũng cho biết kết quả thực hiện Nghị định 67, tới ngày 21/5 tại 28 địa phương đã đăng ký đóng mới, nâng cấp 648 con tàu. Trong số này, tàu vỏ thép, vật liệu mới xấp xỉ một nửa; tàu trên 800 CV chiếm gần 60%; tàu dịch vụ hậu cần nghề cá là 78 chiếc.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Chính sách đi đúng hướng vì người dân đăng ký đóng nhiều tàu vỏ thép, tàu công suất lớn”.
Trong số tàu đăng ký thì ngư dân và ngân hàng đã ký hợp đồng được 52 tàu với tổng số tiền là 525 tỷ đồng. Hiện cả nước đã giải ngân 100 tỷ đồng, trong đó 10 tàu giải ngân trên 50% và 2 tàu đã giải ngân xong.
“Thời gian đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ thép từ 7 tháng tới 1 năm. Từ khi Nghị định có hiệu lực từ cuối tháng 8/2014 tới tháng 5/2015 là xấp xỉ 9 tháng thì nay đã có gần 10 con tàu được đóng rồi. Tôi cho rằng tiến độ như vậy không phải là quá chậm”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh còn cho biết trong quá trình thực hiện, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến ngư dân, chính quyền địa phương và các đại biểu Quốc hội để điều chỉnh chính sách phù hợp hơn với thực tiễn.
Vừa rồi, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 cũng thảo luận về vấn đề này, trong đó Chính phủ sẽ điều chỉnh Nghị định 67 theo hướng cho phép ngư dân dùng máy cũ từ 400 CV trở lên, giao các bộ nghiên cứu kéo dài thời gian cho vay với tàu vỏ thép và tàu vật liệu mới vì giá trị loại tàu này đắt hơn nhiều tàu vỏ gỗ; đồng ý hỗ trợ tàu vỏ gỗ, công suất lớn từ 800 CV trở lên và giao cho địa phương thực hiện.
“Tôi tin tưởng rằng từ các góp ý của đại biểu Quốc hội, của ngư dân, Chính phủ luôn nghiên cứu xác đáng các ý kiến, cùng với sự triển khai sát sao của các địa phương thì Nghị định sẽ đạt kết quả tốt hơn nữa”, Phó Thủ tướng nói.
Nguồn www.chinhphu.vn