Xử lý nghiêm việc để xảy ra oan sai, bức cung, nhục hình

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết quan điểm của Bộ Công an là xử lý nghiêm cán bộ và thủ trưởng cơ quan điều tra để xảy ra oan sai, bức cung, nhục hình.

Phát biểu tại Quốc hội trong buổi thảo luận Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” ngày 5/6, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho hay Bộ Công an nhất trí với báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu và sự quan tâm của cử tri cả nước về vấn đề này.

 

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình
trao đổi với đại biểu bên hành lang Quốc hội, sáng 5/6. .Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, với phương châm nhất quán “không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai, nghiêm cấm bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra", Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng chống tội phạm, phòng chống oan, sai trong xử lý các vụ án hình sự. Bộ Công an đã ban hành nhiều chỉ thị, quy định về chấp hành pháp luật, chấn chỉnh hoạt động điều tra và phòng chống tội phạm.

Thực hiện các chỉ thị của Bộ Công an, thời gian qua công tác điều tra tội phạm đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Cơ quan điều tra các cấp đã chấp hành nghiêm túc các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Điều tra hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan trong việc phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, rà soát các mặt còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm, phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án đưa nhiều vụ án lớn ra xét xử, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Các chỉ tiêu về phòng chống tội phạm theo Nghị quyết số 37 và Nghị quyết 63 của Quốc hội đạt được kết quả tích cực. Kết quả đó đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh trật tự, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Về một số vấn đề được nêu trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết: Báo cáo nêu, trong việc bắt, tạm giữ hình sự nhiều trường hợp sau đó phải chuyển xử lý hành chính.

Vấn đề cần được đánh giá dưới góc độ cơ quan điều tra có làm đúng pháp luật hay không chứ không phải là nhiều hay ít. Ít nhưng áp dụng sai pháp luật thì cũng không được. Với tinh thần tấn công, không bỏ lọt tội phạm, cơ quan điều tra các cấp đã chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn, không để đối tượng có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội; việc tạm giữ hình sự, tạm giam đều được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.

Trong quá trình điều tra, ngoài việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, cơ quan điều tra còn thu thập chứng cứ chứng minh sự vô tội hoặc tính chất, mức độ, hành vi của bị can theo nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Qua đó, nhiều vụ án bị can được đình chỉ điều tra, chuyển xử lý hành chính theo quy định của pháp luật cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Liên quan đến việc bức cung, nhục hình và nguyên nhân của oan, sai, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, bên cạnh những thành tích đạt được thì trong hoạt động điều tra vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót. Ở nơi này, nơi khác còn xảy ra một số vụ oan, sai, thậm chí vẫn còn hiện tượng bức cung, nhục hình, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc trong dư luận.

Đối với cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân vi phạm trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm thì quan điểm nhất quán của Bộ Công an là xử lý nghiêm theo pháp luật.

Bộ Công an đã phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án và các cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Từ năm 2011 đến nay, đã có 40 cán bộ công an bị khởi tố, truy tố, xét xử về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Đồng thời, lãnh đạo các cơ quan để cán bộ vi phạm pháp luật đều bị xử lý trách nhiệm liên đới (như vụ oan sai tại Sóc Trăng đã kỷ luật đến 25 cán bộ, chiến sỹ).

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến oan, sai, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số vụ án khởi tố, bị can đều tăng, tính chất phạm tội ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Trung bình hằng năm, cơ quan điều tra các cấp khởi tố gần 80.000 vụ án với trên 120.000 bị can. Nhưng biên chế cơ quan điều tra thiếu, khối lượng công việc nặng nề, mỗi điều tra viên thụ lý 30-50 vụ án mỗi năm, thậm chí có điều tra viên thụ lý đến 70 vụ án mỗi năm, gây áp lực lớn đến cán bộ điều tra, ảnh hưởng đến chất lượng điều tra và xử lý tội phạm.

Vẫn còn một số điều tra viên còn tư tưởng chủ quan, nóng vội, nhất là trước áp lực công việc cần kết thúc sớm vụ án hay bị áp lực của dư luận. Điều này dẫn đến nóng vội trong đánh giá, thu thập, sử dụng chứng cứ, chưa coi trọng việc thu thập đầy đủ chứng cứ gỡ tội hoặc chủ quan, thỏa mãn khi đối tượng nhận tội mà không quan tâm đến chứng cứ gỡ tội khác. Một số ít nơi chưa chấp hành đúng quy chế làm việc và các quy định của pháp luật dẫn đến xâm phạm các hoạt động tư pháp.

Về chủ quan, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh kiểm tra, giám sát nội bộ của các đơn vị, địa phương để nhắm phát hiện các sơ hở, thiếu sót trong hoạt động điều tra vụ án hình sự vẫn chưa được sâu sát, thường xuyên.

Một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự còn thiếu hướng dẫn cụ thể và các lĩnh vực khác có liên quan đến như giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, pháp y-tâm thần.

Với tinh thần “thượng tôn pháp luật”, để khắc phục các sơ hở, thiếu sót và chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, Bộ Công an đã và đang tiếp tục chỉ đạo cơ quan điều tra công an các cấp thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về phòng chống tội phạm, phòng chống oan, sai, nhất là nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp này về phòng ngừa oan, sai, cũng như các chỉ thị của Bộ Công an về công tác bắt giam, điều tra và xử lý tội phạm nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, không để lọt tội phạm, không để oan, sai và nghiêm cấm bức cung, nhục hình hoặc có hành vi xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của nhân dân.

“Chúng tôi nhận thức rằng, biện pháp quan trọng, cơ bản, chủ yếu hàng đầu trong phòng chống oan, sai là đề cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật đi kèm với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Công tác thanh tra với việc khởi tố, bắt, giam giữ phải được tiến hành thường xuyên, chú trọng, tập trung xác minh các dấu hiệu oan, sai để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, không để kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng”, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Đồng thời, tiếp tục giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao trình độ của cán bộ chiến sỹ, nhất là của điều tra viên, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, ngăn ngừa hiện tượng bức cung, mớm cung, nhục hình trong công tác khởi tố, bắt, giam giữ.

Đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp, của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra nhằm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh, khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác khởi tố, bắt, giam giữ, điều tra xử lý tội phạm.

Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và kiên quyết điều chuyển khỏi cơ quan điều tra những cá nhân vi phạm trong công tác điều tra, xử lý trách nhiệm liên đới của thủ trưởng cơ quan điều tra nếu để xảy ra oan, sai, bức cung, nhục hình.

Nguồn www.chinhphu.vn