Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dự Lễ mở rộng cơ chế một cửa quốc gia

Lễ mở rộng cơ chế một cửa quốc gia với 3 Bộ (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường) vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia. Cùng tham dự còn có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo các bộ, các cơ quan tham mưu để có kết quả kết nối ngày hôm nay.

Phó Thủ tướng cho rằng: “Nếu làm tốt việc kết nối với cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia thì sang năm 2016 ta đứng được vào ASEAN 3 chứ không chỉ là ASEAN 6” .

Trưởng Ban chỉ đạo cũng đề nghị các bộ, ngành, đơn vị phải quyết tâm đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Mặc dù chưa được bố trí kinh phí xây dựng hạ tầng kết nối với Cơ chế một cửa nhưng 3 Bộ trên đã phối hợp với Tập đoàn Viettel ứng vốn để thực hiện, đảm bảo tiến độ và hiệu quả công việc.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành khắc phục những vướng mắc khi phối hợp, tăng cường trang bị phương tiện, máy móc và tập huấn cho các đơn vị và cả các doanh nghiệp về cơ chế một cửa quốc gia.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định Chính phủ đã có kế hoạch bố trí đủ kinh phí để các bộ, ngành tiếp tục xây dựng hạ tầng công nghệ kết nối với Một cửa quốc gia.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc cho biết Bộ Tài chính với cơ quan thường trực là Tổng cục Hải quan và 3 Bộ trên đã cơ bản chuẩn bị được các điều kiện đảm bảo để triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia từ tháng 6 năm nay tới hết năm.

Việc mở rộng kết nối này được thực hiện với các nội dung: Mở rộng cho một số thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực quản lý của các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT gồm: Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú ý, Cục Trồng trọt, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản.

Mở rộng cho một số thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực quản lý của các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm: Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam.

Với Bộ Y tế, Cơ chế một cửa quốc gia mở rộng cho một số thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất, nhập khẩu của các cơ quan: Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Cục Quản lý dược, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đầu tiên kết nối vào Cơ chế một cửa quốc gia (với 3 thủ tục hành chính một cửa quản lý tàu biển xuất, nhập cảnh tại cảng biển quốc tế Hải Phòng) và tiếp đến là Bộ Công Thương.

Cách đây một tháng, Cơ chế một cửa quốc gia được triển khai mở rộng tại 5 cảng biển quốc tế thuộc Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu, hướng tới mở rộng tại tất cả các cảng biển và cảng đường sông quốc tế cho toàn bộ doanh nghiệp. Gần đây nhất, Bộ Giao thông vận tải mở rộng thực hiện cơ chế một cửa quốc gia cho các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng kiểm dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Tính tới ngày 1/6/2015 đã có 1.481 doanh nghiệp đã thực hiện khai báo thủ tục cảng biển trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với tổng số 2.555 hồ sơ.

Doanh nghiệp sẽ được lợi lớn nhất từ cơ chế này. Đơn cử, khi áp dụng cho lĩnh vực đăng kiểm, doanh nghiệp sẽ rút ngắn được khoảng 4/5 thời gian làm thủ tục. Khi triển khai đầy đủ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 thì ước tính hầu hết bộ hồ sơ do doanh nghiệp phải nộp, xuất trình sẽ đơn giản và được mã hóa, qua đó giảm thời gian, chi phí cho chuẩn bị chứng từ, hồ sơ.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội thảo ASEM về quản lý nước

Phát biểu tại Hội thảo ASEM về tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hình Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 (diễn ra từ ngày 4-6/6 tại tỉnh Bến Tre), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trung tâm và các viện nghiên cứu về quản lý bền vững nguồn nước.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Phát triển nguồn nước thế giới năm 2015 chỉ rõ những thách thức trong quản lý nguồn nước bền vững ngày càng trở nên gay gắt, phức tạp hơn trước. Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm (chiếm 95% nguồn cung nước sạch toàn cầu) tại các thành phố lớn như Bangkok, Vientiane, hay TP.HCM trở nên trầm trọng hơn.

Cùng với tình trạng nước biển dâng, triều cường và xâm mặn gia tăng, 80% nước thải không qua xử lý đổ ra các con sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân.

Những năm vừa qua còn chứng kiến những hệ lụy tàn khốc của các thảm họa siêu thiên tai với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng chưa từng có, do biến đổi khí hậu. Có thể kể đến những trận lụt lịch sử ở Thái Lan năm 2011 và 2012, châu Âu năm 2013, hạn hán tại Trung Quốc năm 2014 và đợt nóng kỷ lục đang diễn ra tại Ấn Độ. Ngay tại tỉnh Bến Tre của Việt Nam, nước mặn cũng đã xâm nhập sâu vào các con sông lớn, đe dọa nghiêm trọng sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân.

Trước thực trạng trên, Hội thảo ASEM về tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hình Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 được tổ chức tại tỉnh Bến Tre (từ ngày 4-6/6).

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ chỉ còn 113 ngày nữa đến Hội nghị thượng đỉnh LHQ về phát triển bền vững, 179 ngày tới Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21).

Phó Thủ tướng cho rằng đây là lúc các thành viên ASEM cùng chung tay với cộng đồng quốc tế, thúc đẩy để thông qua Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 và đạt được thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu tại hai Hội nghị quốc tế hết sức quan trọng này.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ hơn sự cần thiết trong việc thống nhất nhận thức và hành động để bảo đảm vấn đề nguồn nước có vị trí xứng đáng trong Chương trình nghị sự phát triển sau 2015.

Theo Phó Thủ tướng, việc bảo vệ tài nguyên nước chỉ có thể bền vững, hiệu quả nếu được lồng ghép vào chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng cân bằng, đồng đều và sáng tạo của từng quốc gia.

Phó Thủ tướng cho rằng cần phát triển tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về quản lý bền vững nguồn nước, sớm đưa “Nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM về quản lý bền vững và hiệu quả nguồn nước” vào hoạt động.

Các thành viên ASEM cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm như tổ chức Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quản lý các dòng sông ở hai châu lục; thúc đẩy hỗ trợ các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM, hay nhân rộng các mô hình hợp tác giữa các địa phương như Dự án hợp tác giữa hai tỉnh Bến Tre của Việt Nam và Tulcea của Rumania.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trung tâm và các viện nghiên cứu về quản lý bền vững nguồn nước. Trước hết, cần phát huy vai trò của “Trung tâm nghiên cứu và phát triển nguồn nước ASEM” tại Hồ Nam, Trung Quốc để trao đổi, phối hợp nghiên cứu và đề xuất các biện pháp hợp tác cụ thể.

Hội thảo lần này sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 12 sắp tới ở Luxembourg và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 tại Ulan Bator, Mông Cổ vào năm sau. Đây cũng là đóng góp quan trọng của ASEM cho các Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về Phát triển bền vững tại New York và Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Paris.

ASEM có tiếp tục phát huy được vai trò là Diễn đàn tăng cường đối thoại, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau hay không phụ thuộc rất nhiều vào “tầm nhìn và hành động” của các thành viên trong việc xử lý vấn đề quản lý bền vững tài nguyên nước, một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển bền vững.