Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Trải qua gần hai thập kỷ, VBF đã trở thành hoạt động thường niên và được coi là kênh đối thoại đem lại hiệu quả giữa Chính phủ và Cộng đồng doanh nghiệp. Chương trình nghị sự của VBF giữa kỳ 2015 sẽ tập trung vào các nội dung chính là: Tổng quan môi trường kinh doanh; thương mại, du lịch và đầu tư - vấn đề vướng mắc trong thực thi các quy định mới về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; Ngân hàng và thị trường vốn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2015 diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi song cũng có không ít khó khăn và thách thức. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đến nay Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và phát triển đúng hướng; tăng trưởng lấy lại đà phục hồi một cách ổn định, vững chắc, dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 của Việt Nam sẽ là 6,2% hoặc có thể cao hơn; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm;…Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng nền kinh tế của Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Những yếu kém của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua có nguyên nhân khách quan từ sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, nhưng chủ yếu vẫn do những nguyên nhân chủ quan trong nội tại của nền kinh tế. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích đầu tư bằng hình thức đối tác công tư PPP; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN; nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp; tạo sự bình đẳng trong cơ chế thị trường, trong phân bổ nguồn lực đối với các doanh nghiệp.
“Với quyết tâm mạnh mẽ, năm 2015 và những năm tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc, năng động và hiệu quả hơn” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ tin tưởng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh đại diện các quốc gia, đối tác phát triển, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự Diễn đàn; đồng thời trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng của các đại biểu về cơ chế chính sách, luật pháp, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và hội nhập quốc tế thành công. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các khuyến nghị, kiến nghị của các đại biểu tại diễn đàn và yêu cầu các Bộ trưởng theo lĩnh vực quản lý của mình để có những xử lý, giải quyết cụ thể.
“Vấn đề gì thuộc về Bộ thì Bộ phải xử lý cụ thể; vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì trình Thủ tướng quyết định; vấn đề gì thuộc về Chính phủ thì trình Chính phủ quyết định; còn vấn đề gì thuộc về luật, pháp lệnh thì Chính phủ sẽ cân nhắc, xem xét để trình Quốc hội quyết định với tinh thần, mục tiêu là tạo mọi thuận lợi để có môi trường kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn cũng như để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm, của nền kinh tế Việt Nam” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Chia sẻ nhiều thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong 5 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, vững chắc hơn nữa.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ nỗ lực phát huy những kết quả đạt được; ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém; tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thành công, phát triển nhanh và bền vững, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Bảo đảm tăng cường tính ổn định của kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát tốt hơn, lạm phát năm 2015 và những năm tiếp theo không quá 5%; điều hành lãi suất, tỷ giá theo tín hiệu thị trường; tăng dự trữ ngoại tệ, bảo đảm ít nhất 12 tuần nhập khẩu; tăng trưởng xuất khẩu bình quân mỗi năm khoảng 10-15%, nhập siêu không quá 5%; bội chi năm 2015 là 5% và 5 năm tới (2016-2020) sẽ thấp hơn mức 5%; nợ công trong giới hạn an toàn; và phấn đấu đưa nợ xấu xuống mức 3% vào cuối năm 2015 - mức thông thường trong hoạt động kinh tế thị trường.
Thủ tướng cũng cho biết mục tiêu phấn đấu năm 2015 của Chính phủ là đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, tiếp tục tập trung tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; tái cơ cấu ngân hàng theo hướng lành mạnh, hiệu quả, công khai, minh bạch, đến 2016 không còn ngân hàng yếu kém. Cùng với đó, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước có thêm thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đạt được tăng trưởng kinh tế ở cả 3 khu vực là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục tập trung mạnh vào thực hiện 3 đột phá chiến lược là cải cách thể chế, huy động các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cho các nhu cầu phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết Chính phủ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kiên quyết loại bỏ các rào cản, vướng mắc cho đầu tư kinh doanh; hoàn thiện các chính sách thuế, phí, lệ phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, tín dụng, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan, đất đai, đầu tư, xây dựng, tiếp cận điện... Phấn đấu cuối năm 2015 các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6 (rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm, nộp bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ/năm. Tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%; bảo đảm ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định; hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu; thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh tối đa 6 ngày; tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa 36 ngày; thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp giảm từ 60 tháng hiện nay còn tối đa 30 tháng). Năm 2016 một số chỉ tiêu chủ yếu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 (thời gian khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa là 35 ngày; nộp thuế và bảo hiểm bắt buộc không quá 168 giờ/năm; cấp phép xây dựng tối đa không quá 77 ngày; hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 12 ngày; giải quyết tranh chấp thương mại xuống còn tối đa 200 ngày (hiện nay là 400 ngày) và thời gian phá sản doanh nghiệp là 24 tháng (hiện nay là 60 tháng); đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống còn không quá 14 ngày (hiện nay là 57 ngày). Bảo vệ nhà đầu tư thuộc nhóm 50 nước đứng đầu. Chỉ số tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu trong nhóm các nước được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Chính phủ đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo không gian phát triển rộng lớn hơn cho doanh nghiệp, người dân Việt Nam cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam mà mới đây nhất đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Hàn Quốc, FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu; sắp tới là Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời vào cuối năm 2015; ký kết FTA Việt Nam - EU vào cuối năm 2015; hoàn thành đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP…
“Với triển vọng hoàn tất 14 FTA trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20. Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế ở tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác phát triển rộng lớn trong tương lai” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, do vậy, cùng với nỗ lực của mình, Chính phủ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay, hợp tác hiệu quả của các quốc gia, các đối tác phát triển và của cả cộng đồng doanh nghiệp vì lợi ích và sự phát triển chung.
Văn phòng Chính Phủ