Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Phước Thuận có 3.600 hộ, với 17.700 nhân khẩu, chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Do đó, để tạo bước đột phá phát triển nông thôn, địa phương nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế cây trồng đặc sản địa phương gắn với phát triển tiểu-thủ công nghiệp, dịch vụ.
Nông dân xã Phước Thuận áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất,
nâng cao hiệu quả kinh tế cây nho.
Trong phát triển nông nghiệp, nho, táo, lúa là cây trồng chủ lực của xã. Để nâng cao năng suất, chất lượng của các loại cây trồng, địa phương khuyến khích bà con đưa các loại giống cây trồng mới có khả năng thích nghi với khí hậu và chất lượng vào sản xuất. Hiện toàn xã có 440 ha đất trồng lúa, trong đó, có 180 ha được áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”. Các mô hình này đã giúp bà con tiết kiệm chi phí sản xuất trung bình 2,5 triệu đồng/ha/vụ, năng suất tăng khoảng 8 tạ/ha/vụ so với phương thức canh tác truyền thống. Đặc biệt đối với cây nho, táo, ngoài vận động bà con canh tác theo quy trình sạch, an toàn, địa phương còn khuyến khích các hộ gia đình, các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chế biến, kết hợp sản xuất với du lịch sinh thái, qua đó đã giúp tăng giá trị sản phẩm, ổn định “đầu ra”, đồng thời đưa thương hiệu nho, táo Ninh Thuận nói chung và của Phước Thuận nói riêng đến với người tiêu dùng trong cả nước. Hiện nay, các thương hiệu như Nho Ba Mọi, Rượu vang nho Thiên Thảo, Vang Phan Rang… đã trở nên quen thuộc với người dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Hiện diện tích cây táo của địa phương là 164 ha, tăng hơn 110 ha; cây nho 170 ha, tăng 84 ha so với năm 2010. Năng suất cây nho bình quân hàng năm đạt khoảng 20 tấn/ha; cây táo trên 60 tấn/ha. Cây táo trung bình đạt 300 triệu/ha, cây nho từ 400-500 triệu/ha. Ngoài ra, từ nguồn thức ăn sẵn có từ lá nho, táo và các loại cây trồng khác, nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc vỗ béo tập trung với phương thức khép kín. Hiện tổng đàn dê, cừu của toàn xã trên 6.000 con/chu kỳ vòng nuôi. Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, ban đầu chỉ có vài hộ thực hiện thì nay đã phát triển lên 500 hộ, giải quyết gần 1.000 lao động, giúp nhiều hộ tăng đáng kể nguồn thu nhập.
Công tác chăm lo đời sống cho nhân dân không chỉ thể hiện qua công tác lãnh, chỉ đạo phát triển sản xuất, mà còn bằng những việc làm thiết thực trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Trong 5 năm qua, địa phương đã phối hợp giải quyết việc làm cho trên 800 lao động địa phương. Số người trong độ tuổi lao động toàn xã có việc làm ổn định đạt trên 90%. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể qua các năm, trung bình giảm gần 1%. Hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 3,77%, cận nghèo 4,23%.
Đồng chí Nguyễn Đức Thuận cho biết thêm, có được những thành quả trong phát triển KT-XH của địa phương, trong đó mấu chốt là đồng tâm, hiệp lực của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Mọi vấn đề liên quan đến lợi ích của nhân dân đều được đưa ra bàn bạc công khai, nhờ vậy, việc triển khai các cuộc vận động, phong trào ở địa phương luôn được nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Hiện nay, xã đã đạt được 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Đến Phước Thuận hôm nay, đi trên những con đường bê-tông nội thôn, những ngôi nhà kiên cố cùng với hệ thống điện-đường-trường-trạm khang trang cho thấy vùng quê Phước Thuận đang ngày một đổi thay. Phát huy những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ mới 2015-2020, Đảng bộ xã Phước Thuận tiếp tục nâng cao năng lực, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Phấn đấu đến năm 2017, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; xây dựng làng du lịch Nho sinh thái Phước Thuận; đến năm 2020, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 40 triệu đồng/năm.
Uyên Thu